Những lưu ý khi kí kết hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Được giao kết bằng văn bản và làm thành 2 bản cho 2 bên
Hiểu đơn giản thì có HĐLĐ thì mới có sự ràng buộc pháp lý. Sau có vấn đề gì phát sinh thì có phải có HĐLĐ thì luật mới bảo vệ bạn được. Không HĐLĐ thì công ty có thể sa thải bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước, các chế độ BHXH cũng không được đảm bảo. Bất lợi vô cùng đúng phải không?
Dù hợp đồng tên gì, chỉ cần đủ 3 dấu hiệu sau thì đều được coi là HĐLĐ:
- Làm việc trên cơ sở thỏa thuận
- Trả lương
- Có sự quản lý, điều hành, giám sát của 1 bên
Có nhiều trường hợp phía chủ công ty yêu cầu người lao văn bản là “Thỏa thuận công việc” thay cho HĐLĐ với ý định trốn tránh trách nhiệm khi lỡ phát sinh. Đối với trường hợp này thì nếu trong thỏa thuận có những điều khoản như trên, thì auto nó có giá trị như HĐLĐ nhé!
Ngoài ra, một số công ty hay tổ chức giữ luôn bản hợp đồng, nhân viên không được cầm bản nào cả và nếu có thay đổi, chỉnh sửa thì bạn không có gì làm bằng chứng để bảo vệ quyền lợi bản thân. Nên lúc nào cũng phải tỉnh táo nhen, hãy yêu cầu giữ 1 bản hợp đồng có chữ ký đôi bên nhé.
Bất cứ ai cũng biết là trước khi ký HĐLĐ thì phải đọc kỹ từng điều khoản. Nhưng nhiều người đọc kỹ rồi nhưng không biết sai ở đâu, chỗ nào có vấn đề. Hoặc thậm chí là không rõ một HĐLĐ nó trông như thế nào, có những nội dung gì. Vậy nên bài này ra đời để đáp ứng cho điều đó!
Chúng ta bắt đầu vào nội dung chính nhé!
1. Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía người sử dụng lao động.
Khi ký hợp đồng thì người có thẩm quyền là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền hợp pháp.
- Người đại diện theo pháp luật là người đứng tên trên giấy đăng ký kinh doanh như chủ tịch, giám đốc, hoặc cá nhân được ghi rõ là “Người đại diện pháp luật”. Có 1 cách để tìm hiểu trước người đại diện pháp luật của công ty đó là ai, bằng cách: Lên Google → Search “Tên công ty + mã số thuế”, nó sẽ hiện ra tên người đại diện pháp luật của công ty đó.
- Trường hợp người được ủy quyền hợp pháp, người đó phải có văn bản ủy quyền hợp lệ từ người đại diện pháp luật
Vậy nên, khi ký hợp đồng, cần xem kỹ tên người ký phía công ty có đúng ko nhé!
2. Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD (hoặc CMND, Hộ chiếu) của người giao kết bên phía người lao động.
- Với người nước ngoài thì cần số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động của chính quyền có thẩm quyền.
- Với người chưa đủ 15 tuổi, cần có thêm họ tên, địa chỉ, căn cước… của người đại diện theo pháp luật (cha mẹ…)
3. Công việc và địa điểm làm việc
- Công việc: thì đơn giản là những công việc mà mình phải làm. Câu hỏi đặt ra là công ty có thể tự ý chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ hay không? Hẹn các bạn trong 1 bài viết khác.
- Địa điểm làm việc: Theo nguyên tắc thì công ty KHÔNG ĐƯỢC TỰ Ý THAY ĐỔI ĐỊA ĐIỂM LÀM VIỆC của người lao động. Vậy nên trong hợp đồng phải ghi rõ địa điểm, phạm vi làm việc cụ thể. Địa điểm trên hợp đồng thế nào thì cứ chỗ đó mà đến. Nhưng nhiều công ty hay lách luật ghi là “địa điểm làm việc theo sự sắp xếp của công ty”, thì nói luôn cái này là sai luật. Trường hợp làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.
Quy định thì là vậy, nhưng trong qúa trình làm việc cũng sẽ hay phát sinh những chuyến công tác đột xuất ở địa điểm không ghi trong hợp đồng. Mình có thể từ chối, đúng, nhưng cái đó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc thăng tiến trong công ty. Nên cái này các bác có thể linh động, tùy thuộc vào định hướng với công ty đó như thế nào nhé.
4. Thời hạn của hợp đồng lao động.
Liên quan đến thời hạn sẽ có 2 loại hợp đồng:
- Hợp đồng xác định thời hạn: không quá 36 tháng kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực
- Hợp đồng không xác định thời hạn: không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hợp đồng.
Có vài điểm lưu ý sau khi ký tái HĐLĐ xác định thời hạn:
- Trong 30 ngày từ ngày hết hạn thì phải ký HĐLĐ mới.
- Nếu hết 30 ngày mà chưa ký HĐLĐ mới → HĐLĐ xác định đã giao kết sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
- Chỉ được tái ký tối đa 2 lần HĐLĐ có thời hạn. Sau đó nếu vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký HĐLĐ ko xác định thời hạn.
5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Ở phần này, khi phỏng vấn và deal thì các bác nên trao đổi rõ về lương gross hay lương net. Cái này thì NCC cũng đã lên 1 bài rồi nhé, mong các bạn vào đọc lại.
Ngoài ra, khi đàm phán lương thì bạn cũng nên trao đổi về: các phụ cấp (xăng xe, điện thoại, ăn trưa…); cách tính lương KPI, OT, thưởng… Ngoài ra, bạn cũng cần xác định rõ thời gian trả lương vào ngày mấy, có cố định không và cả hình thức trả lương để tránh trường hợp bị chậm lương.
Đồng thời bạn cũng cần chú ý những điều sau đây nữa:
- Chế độ nâng bậc, nâng lương cần phải hỏi rõ khi deal
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
Tóm lại, Hợp đồng lao động không chỉ là một tờ giấy, mà chính là tấm khiên bảo vệ quyền lợi của bạn trong suốt quá trình làm việc. Dù là sinh viên mới ra trường hay người đã đi làm nhiều năm, thì việc hiểu rõ từng điều khoản trong HĐLĐ là điều vô cùng quan trọng – giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có và vững vàng hơn trên hành trình nghề nghiệp.
Tham khảo bài viết của Mỗi Ngày 1 Kiến Thức Luật