Vai trò của Mentor đối với mỗi cá nhân
Sinh viên là khoảng thời gian nên được tận dụng tối đa để phát triển bản thân nhằm đạt được những mục tiêu trong tương lai, sự định hướng và hỗ trợ của một Mentor sẽ rút ngắn được điều này.
Mentor – Người dẫn dắt: có thể hiểu trong tiếng Việt là cố vấn, huấn luyện viên, sư phụ, tiền bối. Họ sẽ là những người có kinh nghiệm hơn trong một lĩnh vực, chứ không bó hẹp với chức danh. Đó có thể là sếp, cũng có thể là giáo viên, một người bạn mới gặp được trong một diễn đàn hoặc hội thảo, hay thậm chí bố mẹ cũng có thể là Mentor.
Mentee – Người được dẫn dắt: có thể được hiểu theo nghĩa thực tập sinh, đệ tử, học trò, hậu bối. Mentee không nhất thiết phải nhỏ tuổi hơn Mentor mà sẽ là những người có ít kinh nghiệm hơn trong mọi lĩnh vực, đang đi tìm mục tiêu, lời khuyên hoặc hướng đi cho bản thân.
Mentor sẽ giúp Mentee hiểu thêm về năng lực của bản thân, là người nhìn ra được những ưu và khuyết điểm của Mentee một cách rõ ràng nhất. Khi cần phải lựa chọn những quyết định mang tính lớn lao, bằng tầm nhìn xa của mình, Mentor sẽ giúp Mentee phân tích và đánh giá bước đi đó là tiến hay lùi đối với sự nghiệp và con đường tương lai, từ đó đưa ra được lời khuyên phù hợp nhất.
Nhiều người nghĩ rằng khoảng thời gian đi học chỉ đơn thuần là để học và hoàn thành tốt nội dung học trên trường. Nhưng thực tế nếu biết tận dụng tối đa, đây là những tháng ngày rất có giá trị mang tính bước đệm cho sự nghiệp tương tai. Sự định hướng và hỗ trợ của một Mentor sẽ giúp cho con đường đạt mục tiêu trong tương lai của Mentee được rút ngắn đi đáng kể.
Nếu được dẫn dắt, Mentee sẽ không phải tự mình mò đường và sẽ tránh được những sai lầm không đáng có.
Mentee thường nhận được rất nhiều lợi ích từ một Mentor. Nhưng trong mối quan hệ này Mentor cũng không phải bỏ thời gian ra một cách vô ích. Những kỹ năng mềm mà Mentor có thể rèn luyện được thông qua quá trình dẫn dắt và định hướng cho Mentee có thể kể đến như sau:
- Kỹ năng quan sát: Để có để đưa ra được những lời khuyên phù hợp nhất, Mentor cần quan sát kỹ Mentee của mình từ xu hướng tính cách, cho đến trình độ học vấn và kỹ năng mềm của học trò. Nhờ đó mà kỹ năng quan sát của Mentor cũng sẽ được nâng cấp và áp dụng không chỉ với Mentee mà còn có thể đối với đối tác hay ở trong những tình huống khác trong đời sống.
- Kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo: Bằng việc truyền đạt suy nghĩ, giải thích và hướng dẫn cho môn đồ, Mentor cũng có cơ hội rèn luyện hai kỹ năng này tốt hơn.
- Có thêm góc nhìn mới: Bản thân Mentee cũng sẽ mang lại những góc nhìn mới hơn cho Mentor trong lĩnh vực mà hai người trao đổi.
Có thể nói, vai trò của mentor trong quá trình học tập và phát triển bản thân trên giảng đường đại học là vô cùng quan trọng. Mentor là người hướng dẫn, hỗ trợ, động viên và giúp sinh viên phát triển bản thân, từ đó giúp họ đạt được thành công trong sự nghiệp. Việc tìm kiếm và kết nối với một mentor phù hợp là điều cần thiết để sinh viên có thể tối ưu hóa hiệu quả của quá trình thực tập và tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai.