DeepSeek - "Tân binh" AI đến từ Trung Quốc đang khuấy đảo thị trường công nghệ toàn cầu
Công ty trí tuệ nhân tạo DeepSeek được thành lập vào năm 2023 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Giống các công ty khởi nghiệp AI khác, DeepSeek cũng từng thử nghiệm nhiều mô hình AI khác nhau, nhưng không thực sự tạo được sự chú ý. Chỉ đến khi ra mắt mô hình AI mang tên R1 vào cuối năm ngoái và chính thức phát hành từ ngày 20/01/2025 vừa qua, DeepSeek mới tạo được vang dội và trở thành cơn sốt trên toàn cầu nhờ vào trí thông minh và khả năng xử lý ấn tượng của nó.
DeepSeek là mô hình ngôn ngữ lớn sử dụng kỹ thuật "tính toán thời gian suy luận", nghĩa là mô hình này chỉ kích hoạt những phần liên quan nhất của hệ thống để đưa ra câu trả lời cho mỗi truy vấn, thay vì truy xuất toàn bộ thông tin từ cơ sở dữ liệu khổng lồ của hệ thống. Chính công nghệ này đã giúp DeepSeek có tốc độ phản hồi có phần nhanh và tiết kiệm chi phí vận hành hơn những đối thủ cùng cạnh tranh và được các chuyên gia lĩnh vực cũng như người dùng đánh giá cao không chỉ về việc phản hồi nhanh mà còn bởi những câu trả lời thông minh, độ chính xác cao. Dù được phát triển và hoạt động dựa trên con chip AI có hiệu suất thấp, DeepSeek vẫn thể hiện sức mạnh đáng nể của mình khi trở thành ứng dụng AI có lượt tải về nhiều nhất tại các thị trường như Mỹ, Việt Nam ngay trong tuần đầu ra mắt và đứng top cao trong bảng xếp hạng lượt tải về tại nhiều nước.
Từ khi được đẩy ra thị trường, DeepSeek đã gây nhiều ảnh hưởng đáng kể đến nhiều công ty công nghệ đến từ Mỹ. Trong đó, sự kiện được bàn tán nhiều nhất chính là khi vốn hóa của Nvidia - công ty chuyên cung cấp cho các hãng công nghệ chip xử lý AI cho các hệ thống máy chủ của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá cổ phiếu của Nvidia đã sụt giảm hơn 20%, khiến giá trị vốn hóa của công ty "bay hơi" hơn 600 tỷ USD chỉ tính riêng trong ngày 27/01. Cổ phiếu của các hãng công nghệ đang phát triển mô hình AI của riêng mình khác cũng bị các nhà đầu tư bán tháo kể từ thời điểm DeepSeek R1 được ra mắt và sử dụng rộng rãi tại Mỹ.
Nguyên nhân dẫn quan trọng nhất dẫn đến điều này là bởi chi phí phát triển được công bố thấp đến đáng kinh ngạc của Deepseek. Mức chi phí được công bố chỉ vỏn vẹn 6 triệu USD là đòn giáng mạnh mẽ vào các đối thủ khác đến từ Mỹ đã bỏ ra hàng tỷ USD vào đầu tư và phát triển các trí tuệ nhân tạo của riêng mình. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra nghi vấn về độ tối ưu chi phí của các trí tuệ nhân tạo đã và đang được phát triển trên thị trường. Sự xuất hiện của DeepSeek tạo nên thách thức khiến các hãng công nghệ lớn phải tối ưu hóa mô hình hoạt động và kinh phí vận hành các hệ thống AI của riêng mình, nếu không muốn bị mất đi vị thế trong cuộc đua AI với các nhà phát triển đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều quá khập khiễng khi vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định DeepSeek là một mô hình AI thành công và vượt trội so với các đối thủ trong lúc trí tuệ nhân tạo này mới chỉ ra mắt được 1 tháng và vẫn đang trong quá trình cải tiến, hoàn thiện cũng như còn nhiều nghi vấn xoay quanh chi phí phát triển đáng kinh ngạc được công bố. DeepSeek cần thêm thời gian để hoàn thiện và khẳng định vị trí của mình với các đối thủ “sừng sỏ” khác nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng to lớn mà DeepSeek đã gây ra đối với thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu chỉ trong một thời gian ra mắt ngắn ngủi.