Hội thảo khoa học quốc gia: “Mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành”
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật uy tín, nơi các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và chuyên gia cùng trao đổi quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất những mô hình tổ chức, phương thức quản trị, giải pháp điều hành phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có khả năng hội nhập quốc tế và thích ứng linh hoạt trong môi trường giáo dục hiện đại.
Đây cũng là cơ hội để chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển hiện đại và những nghiên cứu học thuật có giá trị, nhằm đóng góp vào quá trình định hình chiến lược phát triển lâu dài cho Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời làm cơ sở tham khảo cho các trường đại học khác trên cả nước đang hướng tới trở thành đại học đa ngành.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có: GS.TS Neil Quigley - Hiệu trưởng Đại học Waikato, New Zealand; TS. Trần Quốc Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam. Về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có: PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học; PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học; GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học; PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh; cùng đại diện lãnh đạo Đại học qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; các cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Đại học.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, với gần 70 năm hình thành và phát triển, luôn giữ vai trò tiên phong trong đổi mới giáo dục, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách.
Trong lộ trình phát triển theo định hướng đại học đa ngành, ngày 18/12/2023, Hội đồng trường đã ban hành Nghị quyết thành lập Trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là một bước đi chiến lược, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ về mô hình tổ chức và quản trị trong nhà trường.
Ngày 15/11/2024, Chính phủ chính thức phê duyệt việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân - trở thành đại học thứ 9 trong cả nước theo mô hình đại học đa ngành. Quyết định này mở ra một giai đoạn phát triển mới của Đại học với nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức trong quá trình tổ chức và vận hành bộ máy.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục đại học toàn cầu, các cơ sở đào tạo, trong đó có Đại học Kinh tế Quốc dân thì việc tái cấu trúc theo mô hình đại học thông minh và đa ngành là một xu thế tất yếu.
Đi cùng với xu thế đó là những vấn đề mới đặt ra, đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành - một chủ đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các nhà quản lý và giới học thuật.
Vì vậy, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành” được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật và thực tiễn, nơi các nhà quản lý, học giả, chuyên gia và giảng viên cùng nhau trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, vận hành và phát triển Trường Kinh doanh trong mô hình đại học đa ngành.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu đề xuất một trong những nội dung quan trọng cần được thảo luận trong Hội thảo là chiến lược phát triển lâu dài của Trường Kinh doanh, trong đó xác định mũi nhọn phát triển của chiến lược, điều kiện để thực hiện (điều kiện vè tài chính, cơ sở vật chất), quyền tự chủ của trường thuộc Đại học ở mức độ nào,... Đặc biệt, cần thảo luận về mô hình đào tạo sắp tới của Trường Kinh doanh, trong bối cảnh chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có tác động lớn.
PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Theo PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong những năm gần đây, giáo dục đại học trên thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước yêu cầu mới của thời đại số, toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng. Một trong những xu hướng nổi bật là chuyển đổi từ mô hình đại học đơn ngành sang đại học đa ngành, hướng tới xây dựng các trường đại học thông minh, có tính tự chủ cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - giảng dạy - đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.
Ngày 15/11/2024, Chính phủ chính thức phê duyệt chuyển đổi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, mà còn đặt ra nhiều thách thức mới trong tổ chức bộ máy, quản trị học thuật và định vị thương hiệu các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Trường Kinh doanh.
“Trường Kinh doanh, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý và đổi mới sáng tạo, cần có mô hình tổ chức, cơ chế vận hành và chiến lược phát triển phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi và phát triển đại học đa ngành hiện nay. Việc tái cấu trúc Trường Kinh doanh không chỉ là yêu cầu nội tại của một tổ chức giáo dục, mà còn là xu thế khách quan trước áp lực cạnh tranh quốc tế, nhu cầu thị trường lao động và định hướng tự chủ đại học”, PGS.TS Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.
GS.TS Neil Quigley - Hiệu trưởng Đại học Waikato, New Zealand phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận một số nhóm vấn đề như: làm rõ mô hình tổ chức và quản trị Trường Kinh doanh trong cơ cấu đại học đa ngành; xác định mối quan hệ giữa Trường Kinh doanh với các đơn vị chức năng và học thuật khác trong Đại học; làm rõ vai trò của Hội đồng học thuật, Hội đồng ngành, các vị trí quản lý và chức năng điều hành trong mô hình mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu, các chuyên gia cũng đã tập trung trao đổi và phân tích về cơ chế tài chính, quyền tự chủ và các giải pháp tạo nguồn thu bền vững cho Trường Kinh doanh; tìm hiểu các mô hình tài chính hiệu quả tại các trường đại học trong nước và quốc tế để vận dụng vào thực tiễn. Xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, liên ngành, đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới đạt chuẩn quốc tế (AACSB, EQUIS, AMBA); tích hợp chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và quản trị học thuật; Phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực chuyên môn, nghiên cứu và gắn kết thực tiễn; xây dựng chính sách tuyển dụng, đánh giá, đào tạo và giữ chân giảng viên phù hợp với đặc thù Trường Kinh doanh. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, kết nối doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong trường đại học; phát triển các mô hình nghiên cứu hợp tác, chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp và cộng đồng; Thiết kế hệ thống dịch vụ sinh viên hiện đại, định hướng nghề nghiệp và mạng lưới cựu sinh viên; tăng cường hợp tác quốc tế và cơ hội học tập - thực tập - việc làm cho người học. Định vị thương hiệu và chiến lược hội nhập quốc tế của Trường Kinh doanh; xác lập lộ trình đạt các chứng nhận và nâng cao xếp hạng học thuật toàn cầu. Phân tích khung thể chế và chính sách quản lý giáo dục ảnh hưởng đến quyền tự chủ của Trường Kinh doanh; nghiên cứu những cải cách cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển bền vững.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, phân tích sâu sắc và đề xuất thiết thực từ các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước. Những chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển hiện đại cùng các nghiên cứu học thuật giá trị không chỉ góp phần định hình chiến lược phát triển bền vững cho Trường Kinh doanh, mà còn là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho các cơ sở giáo dục đại học khác trong cả nước đang trên hành trình chuyển mình thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học và PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học đã có buổi tiếp đón và trao đổi với GS.TS Neil Quigley - Hiệu trưởng Đại học Waikato, New Zealand về việc mở rộng hợp tác đào tạo giữa hai bên.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học tiếp đón và trao đổi với GS.TS Neil Quigley - Hiệu trưởng Đại học Waikato, New Zealand
Lãnh đạo hai đơn vị tham dự buổi làm việc cùng chụp ảnh lưu niệm
Tại buổi làm việc, PGS.TS Bùi Huy Nhượng khẳng định Đại học Kinh tế Quốc dân đang tích cực nghiên cứu và xây dựng các ngành đào tạo mới phù hợp với xu thế toàn cầu. Việc mở rộng hợp tác với Đại học Waikato không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn mở ra cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp đa dạng cho sinh viên Việt Nam trong môi trường quốc tế.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc phát triển và triển khai các chương trình liên kết đào tạo là thế mạnh của cả hai trường. Đáng chú ý, các ngành đào tạo mới như sức khỏe thể thao và điều dưỡng - lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh phát triển kinh tế gắn với chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được hai bên thảo luận và hi vọng sẽ được triển khai trong chương trình hợp tác đào tạo giữa hai đơn vị trong thời gian tới.
Một số hình ảnh trong khuôn khổ Hội thảo: