Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 12: "Tính toán dữ liệu và mạng xã hội - CsoNet 2023"
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có GS. Roger Wattenhofer - ETH Zurich, diễn giả chính; GS. Trà My Thái - Đại học Florida; GS. Xingquan Zhu - Đại học Florida Atlantic; GS. Roger Wattenhofer - ETH Zurich; GS. David Mohaisen - Đại học Central Florida; GS. Bảo Hồ - VIASM; cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực có liên quan đến học máy và dự báo, tối ưu hóa, bảo mật và blockchain, và phân tích mạng xã hội...
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng; PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các chuyên gia, các nhà khoa học trong toàn trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ lõi tạo nên sức đột phá cho cuộc cách mạng 4.0. Công nghệ này có nhiều vai trò trong cuộc sống và sản xuất của doanh nghiệp, giúp các đơn vị tối ưu hóa nhiều tác vụ cũng như chi phí. Tại Việt Nam, đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương chia sẻ, từ năm 1956, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nỗ lực đạt được những thành tích xuất sắc về kinh tế, quản lý công và quản trị kinh doanh, trở thành một trong những trường hàng đầu tại Việt Nam. Với truyền thống định hướng nghiên cứu và chương trình giáo dục toàn diện, NEU coi trọng sự hợp tác học thuật và đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. CSoNet là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. “Thông qua hội thảo, chúng tôi muốn tạo ra diễn đàn liên ngành hàng đầu để quy tụ các nhà nghiên cứu và học viên từ mọi lĩnh vực của mạng dữ liệu lớn, chẳng hạn như: tính toán và phân tích trên mạng siêu lớn, khai thác, bảo mật và quyền riêng tư cũng như học sâu” - GS.TS Phạm Hồng Chương trao đổi.
Cũng theo GS. Phạm Hồng Chương, CSoNet 2023 tìm cách giải quyết các vấn đề tính toán quan trọng được giới nghiên cứu quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây, tập trung vào nền tảng cơ bản, phát triển công nghệ lý thuyết và các ứng dụng trong thế giới thực liên quan đến phân tích, lập mô hình mạng dữ liệu lớn và học sâu. Hội thảo thu hút các nghiên cứu chưa được công bố về các phương pháp, kết quả thực nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến mạng dữ liệu lớn.
GS.TS Phạm Hồng Chương tin tưởng: "Từ những hiểu biết sâu sắc đặc biệt của các diễn giả và các tác giả, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm giàu vốn hiểu biết sâu rộng hơn về các vấn đề đương đại trong vận trù học và trí tuệ nhân tạo. Hội thảo lần này sẽ tiếp tục là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam và các trường đại học trên toàn thế giới".
GS. Xingquan Zhu - Đại học Florida Atlantic phát biểu
Tại hội thảo này, Ban tổ chức đã nhận được 63 bài báo khoa học của các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ Việt Nam và 18 quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ireland, Ba Lan, Na Uy, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông, Ả Rập Saudi, Singapore, Thái Lan, Iran...
Diễn giả chính, GS. Roger Wattenhofer từ ETH Zurich trình bày trong phiên toàn thể về chủ đề "Học bằng đồ thị"
Sau quy trình phản biện chặt chẽ do các nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước thực hiện, 41 bài báo đã được chọn để trình bày trong 4 phiên trong các lĩnh vực: học máy và dự báo, tối ưu hóa, bảo mật và blockchain, và phân tích mạng xã hội. Chỉ có 23 bài xuất sắc được chấp nhận trong hạng mục các bài báo tiêu chuẩn (regular paper). Do đó, tỷ lệ chấp nhận là 36%.
Các bài báo được chấp nhận từ hội nghị sẽ được xuất bản trong chuỗi ấn phẩm Lecture Notes in Computer Science của Nhà xuất bản Springer, được lập chỉ mục trong ISI và SCOPUS. NEU cũng sẽ có số đặc biệt (special issue) dành cho các bài báo xuất sắc nhất được trình bày tại hội nghị trên các tạp chí trong danh mục ISI là: Journal of combinatorial optimization và IEEE transactions on network science and engineering.
Ban tổ chức hy vọng CSoNet 2023 lần thứ 12 sẽ là cơ hội tuyệt vời để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia làm ứng dụng và nhà hoạch định chính sách chia sẻ những phát hiện mới nhất của họ và hình thành các cuộc đối thoại về các xu hướng nghiên cứu đang diễn ra.
Hội thảo thu hút các nghiên cứu chưa được công bố về các phương pháp, kết quả thực nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến mạng dữ liệu lớn
Một số hình ảnh tại Hội thảo: