Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)
Tham dự Lễ ký kết, về phía Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức có: bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án DS2S; cùng các cán bộ, chuyên viên của dự án. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng; PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, lãnh đạo các Trường thành viên, lãnh đạo các đơn vị Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các cán bộ viên chức của Trường.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu tại Lễ ký kết, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những chiến lược phát triển của NEU là từng bước đưa Đại học Kinh tế Quốc dân thành trường đại học thông minh đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, Nhà trường đang kết hợp chặt chẽ với các đối tác hàng đầu để phát triển và hoàn thiện mô hình trường đại học thông minh, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Phát triển và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung cho mọi mặt hoạt động của Trường, đảm bảo hiệu quả và linh hoạt trong hoạt động của toàn hệ thống.
Trong tiến trình đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phấn đấu trở thành đại học tự chủ, tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế, là trung tâm thu hút đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của các học sinh xuất sắc có hoài bão và tâm huyết để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện cũng đang triển khai nhiều chương trình đào tạo về kỹ thuật số, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Chính bởi vậy, GS. Hiệu trưởng tin tưởng, thoả thuận hợp tác giữa NEU và GIZ sẽ góp phần nâng cao và phát triển kỹ năng số cho sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng cũng như sinh viên Việt Nam nói chung.
Bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức phát biểu
Cũng tại buổi lễ, bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án cho biết, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) là tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp trên toàn thế giới. Trong hơn 60 năm qua, GIZ hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, bao gồm phát triển kinh tế và thúc đẩy việc làm, năng lượng và môi trường, hòa bình và an ninh, giáo dục nghề nghiệp và đào tạo kĩ thuật. Nhà tài trợ chính của GIZ là Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) - một doanh nghiệp trực thuộc chính phủ Liên bang, GIZ hỗ trợ chính phủ Đức đạt được các mục tiêu hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững tại hơn 120 quốc gia trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, GIZ hiện đang tập trung triển khai các chương trình trong những lĩnh vực chính gồm: 1) Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo kĩ thuật, Thị trường lao động và Di cư lao động; 2) Khí hậu và Môi trường; 3) Năng lượng; và 4) Phát triển Kinh tế bền vững.
Bà Sita Zimpel cũng nhấn mạnh, thông qua Dự án, GIZ cam kết sẽ hỗ trợ và liên kết NEU với các đối tác tiềm năng trong ngành liên quan nhằm mang lại những cơ hội học tập thiết thực cho sinh viên thông qua hỗ trợ xây dựng ý tưởng và thực hiện các thử thách như các dự án tốt nghiệp, các cuộc thi… thu hẹp khoảng cách giữa Nhà trường với các doanh nghiệp/đơn vị, đem lại cho sinh viên những trải nghiệm thực tế quý báu, bổ trợ cho việc học tập kiến thức tại Trường, cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên và đảm bảo sinh viên được chuẩn bị tốt nhằm đáp ứng các nhu cầu trong bối cảnh nghề nghiệp.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD và bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức cùng đặt bút ký kết và trao thoả thuận hợp tác
Theo đó, Dự án “Kĩ năng số để thành công - DS2S”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, hướng tới nâng cao kĩ năng số của sinh viên đại học, đặc biệt là nữ giới, tại Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam, để giúp họ thành công trong công việc. Dự án hợp tác với các trường đại học, các đối tác trong khu vực tư nhân và cơ quan chính phủ nhằm đạt được 3 kết quả: 1) Xây dựng một Mạng lưới về Kĩ năng Số và các trung tâm tại các quốc gia nhằm trao đổi kiến thức, 2) Tăng cường năng lực của các đơn vị tại các trường đại học thông qua đào tạo nâng cao, và 3) Hợp tác với các trường đại học Đức và doanh nghiệp để đồng kiến tạo các khóa học mục tiêu theo hình thức vi tín chỉ về Trí tuệ Nhân tạo, Dữ liệu và Khởi nghiệp số cho sinh viên khối ngành không chuyên về công nghệ. Các khóa học này nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ có đạo đức, đảm bảo các tiêu chuẩn toàn cầu và cung cấp các kĩ năng liên quan tới lĩnh vực công việc, được xây dựng phù hợp với thị trường việc làm số.
Tại Việt Nam, Dự án sẽ được triển khai phù hợp với chiến lược và kế hoạch quốc gia về chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy sử dụng các công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng và khu vực công. Để đạt được điều này, các kĩ năng số cần được trang bị để giúp thế hệ trẻ không chỉ thành công trong công việc mà còn có khả năng đóng góp tích cực vào nền kinh tế ngày càng đổi mới và cạnh tranh trong tương lai. Nhằm đạt được các mục tiêu nêu trên, Dự án sẽ xây dựng quan hệ đối tác với các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, cam kết và có thể tham gia mạng lưới nhằm nâng cao kĩ năng số cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD và bà Sita Zimpel - Trưởng nhóm Dự án, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức trao quà và chụp ảnh lưu niệm
Theo nội dung của Thoả thuận hợp tác, GIZ sẽ tích cực điều phối việc xây dựng mạng lưới khu vực bằng cách đưa ra ý tưởng ban đầu nhằm thu hút sự tham gia của các trường đại học trong khu vực. Là một thành viên tiềm năng của mạng lưới tương lai này, NEU sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc đóng góp chuyên môn và nguồn lực nhằm thúc đẩy các sáng kiến hợp tác. Mục tiêu của mạng lưới là hình thành một nền tảng năng động, hỗ trợ trao đổi kiến thức, hợp tác nghiên cứu và sáng kiến chung giữa các trường đại học, thúc đẩy các kĩ năng số và đối thoại, cũng như giải quyết các thách thức chung. GIZ sẽ hỗ trợ việc hình thành mạng lưới một cách bền vững và có tác động hiệu quả. Thông qua đó, GIZ sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực chuyên môn tại NEU thông qua các Chương trình Phát triển Năng lực cho các đơn vị, tập trung vào các khóa học vi tín chỉ cụ thể về kĩ năng số cũng như khởi xướng Chuỗi Tọa đàm về Kĩ năng số nhằm cung cấp cho sinh viên các kiến thức về kĩ năng số thông qua các buổi tọa đàm chọn lọc với các diễn giả từ các doanh nghiệp/đơn vị. Với các chủ đề như các công nghệ tiên tiến và năng lực số, chuỗi tọa đàm hướng tới trang bị cho sinh viên những kiến thức và kĩ năng cần thiết trong bối cảnh số đang phát triển nhanh chóng.