PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân tham dự Phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025
Quang cảnh tại phiên thảo luận
P4G (Partnering for Green Growth and the Global Goals 2030) là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua đối tác công - tư trong các lĩnh vực then chốt như: năng lượng tái tạo, thành phố bền vững, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và tài chính xanh. Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia thành viên sáng lập sáng kiến này.
Với vai trò nước chủ nhà và đối tác tích cực của P4G 2025, Việt Nam đã khẳng định cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, trung hòa carbon đến 2050, đồng thời thể hiện nỗ lực trong việc kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế để xây dựng các mô hình hợp tác xanh hiệu quả; ngoài ra hội nghị cũng tạo diễn đàn cho các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức phát triển cùng trao đổi sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho tương lai. Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu thành tựu, chính sách và tầm nhìn chiến lược trong chuyển đổi xanh - với trọng tâm là lấy con người làm trung tâm và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 tại Hà Nội, đã diễn ra các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng. Trong đó, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chủ trì Phiên thảo luận số 4 với chủ đề "Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai". Cùng tham dự Phiên thảo luận, về phía Đại học Kinh tế Quốc dân còn có GS.TS Đinh Đức Trường - Trưởng khoa Môi trường, BĐKH và Đô thị. Phiên thảo luận có sự tham dự của đại diện các đoàn tham dự Hội nghị P4G, các tổ chức của Liên hợp quốc, định chế tài chính quốc tế, đại diện giới học giả và doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi các giải pháp phát triển nhân lực và thị trường lao động cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ thông tin về các mô hình hợp tác thành công ở các nước trên thế giới trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực xanh, phục vụ cho chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Phiên thảo luận
Tại Phiên thảo luận, đề cập đến quá trình chuyển đổi xanh, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết trong bối cảnh chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có cam kết bền vững về chuyển đổi năng lượng.
Theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Việt Nam hiện đang duy trì nền kinh tế tuyến tính truyền thống, vì vậy, lực lượng lao động Việt Nam phù hợp ngành nghề truyền thống hơn ngành nghề xanh. Quá trình chuyển đổi xanh sẽ phát sinh các ngành nghề mới, vì vậy, nhiều ngành nghề dễ bị tổn thương khi chuyển đổi xanh. Trong tương lai, 88 ngành nghề của Việt Nam sẽ chuyển đổi xanh, đòi hỏi cấp bách trong đào tạo nhân lực của Việt Nam hiện nay.
Từ thực tiễn Việt Nam, PGS.TS Bùi Huy Nhượng cho rằng, giáo dục phổ thông là giai đoạn đặc biệt quan trọng để gieo mầm tư duy xanh, phát triển bền vững ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc tích hợp các nội dung về môi trường, khí hậu, phát triển bền vững vào các môn học như khoa học tự nhiên, địa lý, giáo dục công dân... cần được đẩy mạnh, theo hướng thực tiễn, liên ngành và tạo hứng thú cho học sinh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình trường học xanh, tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài trời, nâng cao nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường cũng được xem là phương pháp giáo dục hiệu quả để dần dần hình thành tư duy xanh cho học sinh, cùng với đó là kế hoạch đào tạo giảng viên nòng cốt, nâng cao năng lực sư phạm về giáo dục vì phát triển bền vững và kỹ năng lồng ghép trong giảng dạy.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học và các đại biểu tham dự phiên thảo luận cùng chụp ảnh lưu niệm
Nhấn mạnh vai trò trung tâm của giáo dục, đào tạo nghề và chuyển đổi kỹ năng lao động trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, các đại biểu tại Phiên thảo luận thống nhất cho rằng, phát triển nguồn nhân lực xanh là điều kiện tiên quyết để các quốc gia hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong tương lai. Với nước chủ nhà, Việt Nam đã và đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu này bằng các hành động thiết thực, bắt đầu từ trường học, doanh nghiệp cho đến chính sách ở tầm quốc gia.