Sự sụp đổ của Baemin tại thị trường Việt Nam
👉 BAEMIN lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2019, thời điểm mà đầu tư khởi nghiệp và nền kinh tế nói chung đang bùng nổ. Công ty mẹ của BAEMIN đã rót nguồn vốn đáng kể vào các hoạt động tại Việt Nam, định vị họ là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty dẫn đầu ngành như Grab, Gojek và ShopeeFood. Hoạt động tiếp thị của họ thu hút người tiêu dùng bằng hình ảnh vui vẻ, vô tư; người tiêu dùng Việt Nam cũng đã dần quen thuộc với những hình ảnh vui nhộn cùng với những chiến dịch marketing hùng hậu, vì vậy BAEMIN trở thành một cái tên không còn xa lạ.
🤔 Mặc dù vậy, BAEMIN cho biết sẽ chính thức ngừng hoạt động từ 0h ngày 8/12/2023. Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, lãnh đạo điều hành ứng dụng này cũng đã gửi thông báo tới nhân viên, chia sẻ về việc phải tạm thời thu hẹp hoạt động do gặp nhiều thách thức tại thị trường giao hàng ở Việt Nam. Vậy tại sao với nhiều chiến dịch Marketing “xịn xò” như vậy, BAEMIN lại “dừng cuộc chơi” tại thị trường Việt Nam? Hãy cùng NOC chúng mình tìm hiểu lí do nhé!
💵 Dưới góc độ chuyên gia ngành F&B, ông Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành Pizza Home và FoodEdu, nói rằng việc BAEMIN rời thị trường đã được dự đoán từ trước. BAEMIN gặp áp lực từ công ty mẹ khi kinh doanh không suôn sẻ tại châu Á. Công ty mẹ tập trung nguồn lực cho thị trường châu Âu, châu Mỹ và cắt giảm ngân sách cho thị trường Việt Nam. Cùng với đó, BAEMIN chịu áp lực cạnh tranh lớn và thị phần thấp. Tính đến năm vừa qua, Grab chiếm 45% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam, tiếp đến là ShopeeFood chiếm 41%, riêng BAEMIN chỉ giữ khoảng 12% thị phần (theo thống kê của Momentum Works). Thạc sĩ Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế Tài chính TP HCM cho biết, chiến lược kinh doanh của BAEMIN chưa phù hợp so với các đối thủ. BAEMIN chưa có những ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn để cạnh tranh, giá cước cũng cao hơn nhiều đối thủ. Cùng với đó, chiến lược kinh doanh, tiếp thị của công ty chưa thực sự hiệu quả, chưa chinh phục được người tiêu dùng Việt; điều này đã phần nào khiến doanh thu, tỉ lệ thị phần của BAEMIN suy giảm dần và không còn cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
👉 BAEMIN cũng đã phần nào cho các công ty khởi nghiệp ngày nay những bài học đắt giá. Các startup Việt Nam hiện nay phải xây dựng khả năng phục hồi thông qua đa dạng hóa, ưu tiên tăng trưởng bền vững về số lượng, kiểm soát chi phí một cách mạnh mẽ và lên kế hoạch cho các kịch bản suy thoái. Hơn nữa, tính linh hoạt và năng động sẽ quyết định người chiến thắng trong bối cảnh không chắc chắn này.
Nguồn: nld.com, messtori.com