Thông tin báo chí về Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 "Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" và Công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
------------
THÔNG TIN BÁO CHÍ VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA:
Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024
“Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”
& Công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023
Theo thông lệ hàng năm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, đồng thời công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 của Trường. Chủ đề của Hội thảo cũng như của Ấn phẩm thường niên năm nay là “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.
I. BỐI CẢNH
Trong năm 2023, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn: lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng Trung ương (NHTW) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga-Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp, trong khi xung đột Israel-Hamas ngày càng căng thẳng.
Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,56% của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, chỉ tăng 3,74% so với năm trước (thấp so với mức tăng trưởng trung bình các năm 2015-2019 là 8,6%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) tăng 3,62% so với năm trước và cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Tồn kho toàn ngành công nghiệp CBCT tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Lượng giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục thấp do tâm lý nhà đầu tư yếu và chờ đợi, dẫn đến thanh khoản chung trên thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Tổng lượng giao dịch 4 quý năm 2023 đạt khoảng 18.600 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chỉ bằng 17% so với năm 2018, thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm, và tăng 21,2% so với năm trước. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%). Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm. Số liệu của năm 2023 cho thấy tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Về thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến tài chính ở Châu Âu và Mỹ như nợ công và lãi suất tăng cao đã góp phần kìm hãm nền kinh tế và giảm tổng cầu thế giới và tác động không nhỏ tới các nước có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam. Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.
Tính tới cuối năm 2023, tín dụng nền kinh tế tăng 13,5% (năm trước tăng 14,5%) trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 14%. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Về khả năng tiếp cận vốn, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn như nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý như doanh nghiệp BĐS. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng trong nước đều giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn hai năm 2022-2023, mặc dù đã qua hết thời hạn nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.
Những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu. Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2023. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Vì vậy chủ đề của Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2023, bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế, sẽ lựa chọn chủ đề về các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu với mục tiêu phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.
II. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG HỘI THẢO
Hội thảo tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức), từ đó đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo. Hội thảo cũng đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu; những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.
Với mục tiêu trên, Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung sau:
- Làm rõ bối cảnh kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023;
- Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế;
- Đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, chênh lệch xuất nhập khẩu), những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân. Đánh giá đóng góp của các thành tố này đến tăng trưởng kinh tế.
- Phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2024; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024; từ đó khuyến nghị chính sách thúc đẩy tổng cầu, đóng góp vào tăng trưởng một cách bền vững trong bối cảnh mới.
III. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC
- Thời gian: Thứ Tư, ngày 17/4/2024.
- Địa điểm: Hội trường A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, số 207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
IV. THÀNH PHẦN THAM DỰ
Hội thảo có sự tham gia trình bày và thảo luận của đồng chủ biên Ấn phẩm: GS.TS Phạm Hồng Chương và GS.TS Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
Và các diễn giả chính:
- GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
- Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam
- Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (World Bank)
- Bà Gulmira Asanbaeva, Chuyên gia kinh tế cao cấp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
- TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện ĐT-NC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
- TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
- Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
- PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính
Hội thảo sẽ có 300 nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ... và các cơ quan trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước như: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công thương, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội, các viện nghiên cứu, trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp; các phóng viên báo chí.
Buổi họp báo công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên được tổ chức vào hồi 08h00, cùng ngày tại Phòng B101-102, Nhà A2, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Giới thiệu Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới xem TẠI ĐÂY
Chương trình sự kiện được gửi kèm thông tin báo chí này.
Mọi thông tin về Hội thảo, xin vui lòng liên hệ:
ThS. Vũ Phương Linh - Phòng Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, di động: 0973.256.257, email: linhvp@neu.edu.vn
ThS. Bùi Huy Hoàn - Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, di động: 0965.666.857, email: hoanbh@neu.edu.vn
Xin trân trọng thông báo!
BAN TỔ CHỨC