Tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập thích ứng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo”
Quang cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có: GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học; PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học; TS. Lê Anh Đức - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo; TS. Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Công nghệ; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên trong và ngoài Đại học.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Giám đốc Đại học cho biết, trong những năm vừa qua, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ cả về cơ cấu tổ chức cũng như việc nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS. Bùi Huy Nhượng nhấn mạnh, thời gian qua, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI đã tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đại học Kinh tế Quốc dân đặt mục tiêu phát huy những năng lực nội tại, ứng dụng được thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình đào tạo, giảng dạy như: viết giáo trình như thế nào, đánh giá sinh viên ra sao, ứng dụng AI cho quá trình giảng dạy, giúp bài giảng sinh động, truyền thụ kiến thức hiệu quả nhất; giúp sinh viên hứng thú hơn trong quá trình học tập... Đó là lý do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập thích ứng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo”.
Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn các bài tham luận, các ý kiến từ chuyên gia tại Tọa đàm có thể đưa ra những giải pháp thiết thực nhất để từ đó ứng dụng AI hiệu quả trong quá trình giảng dạy, theo mô hình thực tiễn.
Các diễn giả trình bày tham luận tại Tọa đàm
GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Chia sẻ tại Tọa đàm, GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học nhấn mạnh, dù chúng ta đang nói nhiều về thế giới số, mục tiêu cuối cùng của con người là thế giới thực. Thế giới số chỉ là phần bổ trợ, giúp thế giới thực ngày càng trở nên phong phú hơn, tốt hơn. Tương tự như vậy, với không gian số và không gian thực, mục tiêu cuối cùng của con người ta vẫn là không gian thực. Dù trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đâu thì cuối cùng, sự tiếp xúc giữa người với người, thể hiện được tình cảm, cảm xúc vẫn là điều cao nhất, quan trọng nhất. Tất cả công nghệ được phát triển cũng là để phục vụ thế giới thực. “Chính vì vậy, ngay từ cách đây vài năm, Đại học Kinh tế Quốc dân đã khẳng định sẽ cho phép sinh viên sử dụng AI, ChatGPT, không ngăn cấm. Điều quan trọng là các em sẽ sử dụng những công cụ này như thế này”, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.
GS. Phạm Hồng Chương cũng chia sẻ, đối với sinh viên, yêu cầu cuối cùng phải là khả năng làm chủ công nghệ, làm chủ tình hình. Khi các em học tập, những công cụ như ChatGPT có thể hỗ trợ đưa ra câu trả lời, nhưng các em cần hiểu được, vận dụng được câu trả lời đó. “Làm chủ” ở đây có nghĩa sinh viên phải đặt ra được vấn đề, hiểu được quy trình, còn ChatGPT hay các công cụ khác sẽ hỗ trợ đưa ra lời giải. Giảng viên cần cung cấp cho sinh viên những kiến thức và phương pháp tư duy để từ đó các em hiểu được, làm chủ được công nghệ.
“Trong thời đại số, những nội dung cần nhớ, cần tổng hợp, AI có thể hỗ trợ. Nhưng việc đưa ra vấn đề, hiểu được cách làm, phát triển và phản biện vấn đề, tư duy sáng tạo là yêu cầu với sinh viên thế hệ mới. AI sẽ là công cụ, là người bạn, còn quan trọng nhất vẫn là tư duy và kiến thức của mình để hiểu tất cả những điều AI đang làm”, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết nhà trường đang tiến tới việc ứng dụng, áp dụng phương thức đào tạo Lecture/Seminar. Với mô hình này, sẽ có khoảng một nửa thời gian trong các môn học, sinh viên có quyền đến trường hoặc không đến trường nghe giảng. Toàn bộ bài giảng ở các phòng học thông minh sẽ được ghi lại. Sinh viên có thể tham gia trực tuyến hoặc có thể lưu lại các băng video về để học bất kể lúc nào. Trong lớp Seminar, sinh viên chủ yếu tương tác trực tiếp với nhau, tương tác với giảng viên và giải quyết các tình huống, bài tập thực tiễn cũng như các nhiệm vụ cụ thể.
Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân hy vọng với phương thức đào tạo Lecture/Seminar cùng những công cụ như ChatGPT và các phần mềm, việc học của sinh viên sẽ ngày càng trở nên dễ dàng hơn, thời gian ngắn hơn, học được nhiều kiến thức hơn và làm chủ được nhiều công nghệ hơn. Đây cũng là mục tiêu đào tạo của nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
Tọa đàm nhằm tạo không gian trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia, giảng viên về xu hướng chuyển đổi trong phương pháp giảng dạy và học tập trong kỷ nguyên số, đặc biệt là trong bối cảnh AI và công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục.
Tọa đàm cũng là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn giảng dạy, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, tăng tính cá nhân hóa trong học tập và phát triển tư duy sáng tạo cho người học. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Bài và ảnh: Phòng Truyền thông
Danh mục bài tham luận tại Tọa đàm, xem chi tiết TẠI ĐÂY
Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Tọa đàm:
Đại biểu Nhân dân: Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân yêu cầu sinh viên phải "làm chủ công nghệ"
Nhân dân: Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập