Tọa đàm: “Nhu cầu nguồn nhân lực các ngành đào tạo mới trình độ đại học dự kiến mở năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân”
Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu ngoài Trường có TS. Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Giải pháp Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT; TS. Phan Duyên - Chuyên viên Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT; TS. Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính sách & Phát triển; PGS.TS Lê Thái Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội; TS. Phạm Huy Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thông minh, VinUni; TS. Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo chiến lược, Bộ LĐTB&XH; ông Nguyễn Tiến Cường - Giám đốc VNPT AI; bà Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Nhân sự - Đào tạo, Trường Phổ thông Liên cấp Song ngữ Quốc tế Wellspring Hà Nội; cùng gần 100 cá nhân và tập thể, các doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng lao động, các chuyên gia trong ngành/lĩnh vực Công nghệ và đại diện người học...
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, đơn vị thường trực chủ trì/đầu mối trong công tác xây dựng ngành và phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học; GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Trường; cùng các thành viên Hội đồng;, đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các cán bộ, giảng viên của Trường và nhiều giảng viên của Khoa Toán kinh tế, Viện CNTT&KTS, Khoa Thống kê.
Về phía đơn vị thành viên Hội đồng Tư vấn Trường có GS.TSKH Lương Xuân Quỳ - Nguyên Hiệu trưởng, GS.TS Nguyễn Văn Thường - Nguyên Hiệu trưởng; PGS.TS Ngô Đức Cát - Nguyên Bí thư Đảng ủy, thành viên Hội đồng; GS.TS Nguyễn Kế Tuấn - Thành viên Hội đồng; GS.TS Trần Minh Đạo - Thành viên Hội đồng; PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Thành viên Hội đồng; cùng các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài trường.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu tại Toạ đàm, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Đại học Kinh tế Quốc dân đã trải qua gần 70 năm hình thành và phát triển. Trong suốt quá trình đó, Nhà trường đã khẳng định được vị thế là một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.
Trong chiến lược phát triển của mình, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà trường tiến đến chuyển đổi từ “Trường đại học Kinh tế Quốc dân” thành “Đại học Kinh tế Quốc dân”, thành lập 3 trường gồm Trường Công nghệ, Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế và Quản lý công. Với sứ mệnh trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang nghiên cứu, dự kiến mở mới 5 ngành mới: Trí tuệ nhân tạo (AI), Khoa học dữ liệu, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm và An toàn thông tin. Trước đó, trong suốt thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tiên phong mở rất nhiều ngành mang tính liên ngành, xuyên ngành như Phân tích kinh doanh, Phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Kinh doanh số... Nhà trường cũng đào tạo một số ngành có sự liên hệ nhất định với 5 ngành dự định mở mới.
Theo PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Toạ đàm “Nhu cầu nhân lực các ngành đào tạo mới trình độ đại học dự kiến mở năm 2024” có sự tham dự của các đại biểu là giảng viên đến từ các trường đại học đã có kinh nghiệm trong đào tạo lĩnh vực về máy tính và công nghệ phần mềm; cùng đại diện các doanh nghiệp - những đơn vị sẽ sử dụng lao động. PGS.TS Bùi Huy Nhượng bày tỏ mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề chính: Thứ nhất, hướng đi của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong đào tạo 5 ngành? Nên tập trung đào tạo các ngành và ứng dụng vào khía cạnh kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh hay khía cạnh nào khác để tránh trùng lặp với những ngành các cơ sở giáo dục khác đã đào tạo, đồng thời phát huy được thế mạnh của nhà trường ?
Thứ hai, trong chương trình đào tạo có các nội dung chính về kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Như vậy, sinh viên học 5 ngành này tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ tập trung vào những khối kiến thức, kỹ năng, năng lực nào để khi ra trường có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội?
Thứ ba, để thực hiện đào tạo 5 ngành này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cần có sự chuẩn bị gì về giảng viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất,…
“Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và xây dựng các chương trình đào tạo mới. Tuy nhiên, dưới góc độ một “nhà cung cấp” - đơn vị đào tạo sinh viên cung cấp cho nhu cầu xã hội, ý kiến của quý vị tham dự Toạ đàm sẽ rất bổ ích cho nhóm nghiên cứu của nhà trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục lĩnh hội, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện và phát triển các chương trình đào tạo một cách tốt nhất, PGS.TS Bùi Huy Nhượng cho hay.
TS. Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo phát biểu
Chia sẻ tại Toạ đàm, TS. Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trường có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước, với tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, thuộc nhóm 5 đại học hàng đầu của Việt Nam, 100 đại học hàng đầu châu Á.
Với sứ mệnh, tầm nhìn như trên, nhà trường xác định chiến lược đào tạo là phát triển mạnh các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính, Công nghệ thông tin và tập trung vào định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, tạo nền móng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này.
Hiện nay ở trình độ đại học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang đào tạo 35 ngành, được phân bổ vào 10 lĩnh vực đào tạo gồm: (1) Kinh doanh và quản lý; (2) Khoa học xã hội và hành vi; (3) Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; (4) Môi trường và bảo vệ môi trường; (5) Máy tính và công nghệ thông tin; (6) Nhân văn; (7) Báo chí và thông tin; (8) Pháp luật; (9) Quản lý công nghiệp; (10) Nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Bên cạnh các ngành đào tạo này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng tiên phong trong việc phát triển các chương trình đào tạo đặc thù, trong đó rất nhiều ngành có tính chất liên ngành, xuyên ngành, chưa có trong danh mục đào tạo cấp IV (trình độ đại học) của Việt Nam. Cụ thể, nhà trường có 21 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh; 15 chương trình đào tạo chất lượng cao và 7 chương trình đào tạo định hướng ứng dụng (POHE) do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh đào tạo và cấp bằng.
Cũng theo TS. Lê Anh Đức, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang nghiên cứu, xây dựng và phát triển, dự kiến mở mới 5 ngành đào tạo trong lĩnh vực Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin vào năm 2024, bao gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. “Như vậy, nếu phát triển thành công 5 ngành này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thêm một lĩnh vực đào tạo nữa là Toán và thống kê, bổ sung vào 10 lĩnh vực hiện đang đào tạo của Nhà trường”, TS. Lê Anh Đức cho hay.
PGS.TS Hà Minh Hoàng - Khoa Toán Kinh tế, Trường ĐH KTQD trình bày về chuẩn đầu ra và khung CTĐT (dự kiến) của các ngành đào tạo mới
TS. Phạm Xuân Lâm - Viện CNTT&KTS, Trường ĐH KTQD trình bày về chuẩn đầu ra và khung CTĐT (dự kiến) của các ngành đào tạo mới
TS. Đoàn Quang Minh - Viện CNTT&KTS, Trường ĐH KTQD trình bày về chuẩn đầu ra và khung CTĐT (dự kiến) của các ngành đào tạo mới
Trước đó, đầu tháng 01/2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có 5 ngành liên quan đến công nghệ. Ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tuyển khoảng 100 chỉ tiêu mỗi ngành. Các ngành còn lại, mỗi ngành tuyển 50 chỉ tiêu.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến chuyển đổi lên thành đại học vào năm 2025, việc mở ngành mới có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Công tác xây dựng ngành mới đã được xác định trong phương hướng và kế hoạch phát triển chung của trường, phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng điều hành phiên thảo luận tại Tọa đàm
Các đại biểu tham dự Tọa đàm trao đổi và đóng góp ý kiến
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
TS. Bùi Kiên Trung - Phó Trưởng phòng Tổng hợp dẫn chương trình tại Tọa đàm