Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ trở thành đại học thông minh, đại học số
Lộ trình này đã được triển khai, dự kiến trong năm 2024 sẽ thành lập xong Đại học Kinh tế Quốc dân.
Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về lộ trình chuyển đổi từ “trường đại học” thành “đại học”, cũng như định hướng phát triển về chương trình đào tạo, quy mô sinh viên,… khi nhà trường tái cấu trúc.
Mục tiêu trở thành đại học thông minh, đại học số
- Thưa GS.TS Phạm Hồng Chương, được biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân định hướng trở thành đại học tự chủ với mô hình tổ chức 3 cấp, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, đạt chuẩn kiểm định quốc tế; là đại học trọng điểm khối ngành Kinh tế. Ông có thể chia sẻ về lộ trình chuyển đổi từ “trường đại học” thành “đại học” của nhà trường hiện nay?
GS.TS Phạm Hồng Chương: Vừa rồi, Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã thông qua Nghị quyết thành lập 3 trường gồm Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và Quản lý công. Đây là bước đầu tiên để chúng tôi tái cấu trúc và dự kiến trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân trong năm 2024.
Quan trọng nhất đối với Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ là sự chuyển đổi về mặt tên gọi, mà chúng tôi muốn xây dựng một mô hình phù hợp nhất, hiệu quả nhất để đảm bảo rằng các hoạt động của nhà trường diễn ra một cách phù hợp với môi trường đổi mới sáng tạo hiện nay.
Chúng tôi mong muốn mô hình của Đại học Kinh tế Quốc dân, không chỉ là tên gọi “đại học” mà thực sự sẽ trở thành một đại học thông minh, đại học số, đại học đem đến cho người học môi trường học tập và trải nghiệm tốt nhất.
Chúng tôi thực hiện mô hình tổ chức 3 cấp, dưới Đại học Kinh tế Quốc dân có 3 trường thành viên, trong các trường có các khoa. Một số bộ môn truyền thống trước đây sẽ không còn, bên cạnh đó dự kiến sẽ có những ngành học hoàn toàn mới. Sinh viên 3 trường thành viên khi tốt nghiệp, chỉ có một cơ sở duy nhất cấp bằng, đó là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về quy mô sinh viên khi chuyển đổi từ “trường đại học” thành “đại học”, phương hướng chiến lược của nhà trường là không tăng mạnh quy mô mà tập trung vào đầu tư chiều sâu, để làm sao quy mô sinh viên tương đối ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi có thể tăng một chút quy mô ở nhóm sinh viên các ngành công nghệ.
Về học phí, chúng tôi tin rằng khi chuyển đổi thành “đại học”, chất lượng đào tạo sẽ tăng lên, điều kiện học tập tốt hơn nhưng cố gắng làm sao mức học phí sẽ không thay đổi. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong 4 năm vừa qua không thay đổi học phí, nhưng đến năm nay chúng tôi có thay đổi nhẹ. Nếu mức học phí năm nay được giữ, dự kiến đến năm 2025 chúng tôi sẽ không tăng.
- Ông có thể chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyển đổi thành Đại học Kinh tế Quốc dân?
GS.TS Phạm Hồng Chương: Chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ một quá trình chuyển đổi nào cũng sẽ gặp thuận lợi và rất nhiều khó khăn.
Khó khăn của chúng tôi chủ yếu là về công tác tổ chức nhân sự, khi tư duy và cách làm cần phải thay đổi. Vẫn những con người đó, nhưng họ phải làm công việc có thể khác đi một chút, yêu cầu hiệu quả hơn.
Những thay đổi này cũng đòi hỏi thời gian. Nhưng chúng tôi tin rằng với tâm thế hiện nay của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra tốt đẹp và thuận lợi.
Chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ lên một bậc
- Khi chuyển đổi lên đại học, mục tiêu lớn nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân là gì, thưa ông?
GS.TS Phạm Hồng Chương: Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn còn một số điểm hạn chế. Chúng tôi mong muốn thông qua quá trình tái cơ cấu lần này sẽ khắc phục được tất cả hạn chế đó, để làm sao nhà trường hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Quan trọng nhất, môi trường đào tạo của sinh viên sẽ ngày càng tốt hơn, chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ lên một bậc.
Chiến lược lớn nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân là mong muốn tạo ra một bước đột phá về chất lượng đào tạo. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tạo ra bước đột phá đó.
Điều kiện thứ nhất là về đào tạo đội ngũ giảng viên. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã đẩy mạnh công tác đào tạo giảng viên thông qua 3 hoạt động chính, gồm gửi giảng viên đi học ở nước ngoài; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở Việt Nam và đẩy mạnh việc giảng viên tham dự các khóa học online. Chúng tôi hỗ trợ giảng viên đi học, cấp kinh phí, ngoài kinh phí học còn có khoản khuyến khích để giảng viên hoàn thành khoá học.
Điều kiện thứ hai là tăng cường cơ sở vật chất. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, toàn bộ các phòng học của trường sẽ là phòng học thông minh theo đúng chuẩn mực tốt nhất hiện nay của các trường đại học trên thế giới.
Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai phương thức đào tạo Lecture/Seminar. Mô hình Lecture/Seminar được hiểu là việc dạy và học 1 môn học/học phần kết hợp giữa các lớp Lecture và lớp Seminar trong một học kỳ. Lớp Lecture gồm một hoặc nhiều lớp học phần (sinh viên đăng ký học cùng một môn học/học phần) có quy mô không quá 300 sinh viên; lớp Seminar là lớp học phần có quy mô từ 20 đến 30 sinh viên.
Với mô hình này, sẽ có khoảng một nửa thời gian trong các môn học, sinh viên có quyền đến trường hoặc không đến trường nghe giảng. Toàn bộ bài giảng ở các phòng học thông minh sẽ được ghi lại. Sinh viên có thể tham gia trực tuyến hoặc có thể lưu lại các băng video về để học bất kể lúc nào. Trong lớp Seminar, sinh viên chủ yếu tương tác trực tiếp với nhau, tương tác với giảng viên và giải quyết các tình huống, bài tập thực tiễn cũng như các nhiệm vụ cụ thể.
Cách đào tạo như vậy sẽ đảm bảo cho sinh viên có cơ hội giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách tốt nhất và cũng là cơ hội tốt nhất giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng.
Tự chủ là con đường duy nhất để các đại học có thể phát triển tốt
- Được biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở đào tạo được đánh giá rất thành công trong việc thực hiện cơ chế tự chủ. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của nhà trường về thực hiện tự chủ đại học trong thời gian qua, để tiến tới chuyển đổi từ “trường đại học” thành “đại học”?
GS.TS Phạm Hồng Chương: Tôi cho rằng tự chủ đại học là con đường duy nhất để các đại học có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ hơn, thay vì “tự chủ đại học là các trường phải tự thân vận động”.
Tự chủ đại học có nghĩa nhà trường được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyên môn của mình; tuy nhiên sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cũng như của xã hội là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta chỉ hiểu đơn giản là trường tự thân vận động, tự “vật lộn” sẽ không đúng.
Theo tôi, mỗi trường đại học nên có phương hướng, con đường tự chủ của riêng mình, vì điều kiện của mỗi trường là khác biệt.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực tế tương đối thuận lợi trong thực hiện tự chủ đại học. Bởi chúng tôi đã có truyền thống, có danh tiếng, có một đội ngũ cũng như có cơ sở vật chất tương đối. Khi thực hiện cơ chế tự chủ với những điều kiện thuận lợi như vậy, chúng tôi có điều kiện, có khả năng thu hút được những sinh viên không chỉ giỏi mà họ còn có khả năng chi trả. Từ đó, chúng tôi kiên trì phương châm đào tạo chất lượng cao.
Với học phí, phương châm của chúng tôi là nếu bạn học giỏi, nhưng bạn có khó khăn thì Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn tạo điều kiện để bạn có thể theo đuổi giấc mơ của mình, miễn là bạn có hoài bão, ước mơ và bạn phải là những người xuất sắc. Chúng tôi luôn có học bổng để hỗ trợ sinh viên.
Chúng tôi không phải là những trường thu học phí cao nhất, nhưng tôi cam kết Kinh Tế Quốc dân là một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt nhất.
Gần 300 doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình đào tạo
- Được biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là cơ sở giáo dục đại học có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những hiệu quả của sự hợp tác này trong công tác đào tạo?
GS.TS Phạm Hồng Chương: Trước hết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn nhìn nhận rằng sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo là một yếu tố bắt buộc.
Chỉ có như vậy, sinh viên mới có thể hiểu rõ được những yêu cầu của thị trường lao động.
Chỉ có như vậy, sinh viên mới có thể tích lũy được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để sau khi tốt nghiệp và thậm chí ngay trong quá trình học đã bước chân vào thế giới việc làm một cách hoàn toàn chủ động.
Và chỉ có như vậy, hiệu quả đào tạo, chất lượng đào tạo mới được như chúng ta mong muốn.
Chính vì vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn coi trọng, chú trọng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, có ít nhất gần 300 doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Một điểm rất mừng rằng rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp là các cựu sinh viên nhà trường. Có những doanh nghiệp rất lớn như các ngân hàng, các tập đoàn bất động sản lớn, những tập đoàn kinh doanh lớn nhất Việt Nam đều có dấu ấn của cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nhà trường không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ - những doanh nghiệp của cựu sinh viên trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chúng tôi cho rằng, đây là một mô hình hợp tác rất tốt khi không chỉ là kiến thức, không chỉ là trải nghiệm mà quan trọng hơn hết là truyền thống, niềm tự hào của sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
- Xin cảm ơn GS.TS Phạm Hồng Chương!