Vì sao Sinh viên cùng ngành học nhưng cơ hội việc làm lại khác nhau
Trong thời đại số, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, con người không chỉ cần thích nghi với những thay đổi về mặt kỹ thuật, mà còn phải linh hoạt trước các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ phía các doanh nghiệp. Tấm bằng đại học, vốn từng được xem là “tấm vé thông hành” để gia nhập thị trường lao động, ngày nay chỉ còn là điều kiện cần chứ không còn là yếu tố đủ để đảm bảo một vị trí việc làm tốt và ổn định. Bên cạnh đó, họ còn cần phải có những kĩ năng mềm cần thiết cũng như kinh nghiệm làm việc thực tế. Chính vì vậy dù có nhiều người cùng học một ngành, trong cùng một trường và thậm chí là tốt nghiệp cùng loại bằng với nhau nhưng cơ hội việc làm họ nhận được sau khi tốt nghiệp lại rất khác nhau.
Những sinh viên đại học, những người trong tương lai sẽ gia nhập thị trường lao động, đang có những cách đối mặt khác nhau với vấn đề cấp thiết này. Với cùng một ngành học, thậm chí cùng một trường và cùng loại bằng cấp, sinh viên sau khi ra trường lại có thể đối mặt với những cơ hội hoàn toàn khác biệt. Điều này không đơn thuần là kết quả của may mắn hay thời thế, mà phần lớn xuất phát từ sự chủ động của mỗi cá nhân trong quá trình học tập và chuẩn bị hành trang nghề nghiệp.
Trong khi một bộ phận sinh viên học tập qua loa, chỉ chú trọng vào việc hoàn thành các môn học mà không thật sự hiểu sâu vấn đề hay đầu tư cho kiến thức nền tảng, thì họ cũng thường bỏ qua các yếu tố quan trọng như kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế và xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp. Tâm lý “có bằng là đủ” đã khiến họ bị động, thiếu chuẩn bị và dễ dàng bị tụt lại phía sau trong một thị trường lao động vốn rất khắt khe.
Ngược lại, có không ít bạn trẻ hiểu được sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm nên đã nỗ lực hết mình để không chỉ học tốt kiến thức chuyên môn mà còn dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, thực tập tại doanh nghiệp, làm thêm đúng ngành để tích lũy kinh nghiệm. Họ chủ động rèn luyện kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, và xây dựng hình ảnh cá nhân trên các nền tảng nghề nghiệp như LinkedIn. Chính sự chủ động và ý thức phát triển bản thân này đã tạo nên sự khác biệt đáng kể, giúp họ nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng và mở rộng cánh cửa cơ hội nghề nghiệp cho chính mình.
Sự khác biệt về cơ hội không phải do học một ngành dễ xin việc hay vì hoàn cảnh thuận lợi hơn, mà chủ yếu đến từ cách mà mỗi người đối diện với tương lai của chính mình. Khi công nghệ thay đổi liên tục, những kỹ năng hôm nay còn hợp thời nhưng ngày mai có thể trở nên lỗi thời. Vì vậy, việc học tập suốt đời, sẵn sàng cập nhật kiến thức mới và thích nghi nhanh chóng là điều kiện tiên quyết để giữ vững vị trí trong thị trường lao động.
Thực tế đã cho thấy, những ngành học được xem là “hot” như Marketing, Quản trị Kinh doanh, Logistics hay Quản lý chuỗi cung ứng đang thu hút một lượng lớn sinh viên, nhưng không phải ai cũng thành công khi bước vào lĩnh vực này. Chỉ một phần nhỏ có thể đảm nhận những công việc mơ ước, có thu nhập ổn định và cơ hội phát triển lâu dài, trong khi số còn lại, do thiếu chuẩn bị kỹ càng về kỹ năng và kiến thức nền, buộc phải chấp nhận làm trái ngành, làm công việc không đúng mong muốn hoặc thậm chí rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Từ đó có thể thấy, cơ hội nghề nghiệp trong thời đại số không tự nhiên đến mà chỉ dành cho những ai biết nắm bắt, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và biết chủ động thích nghi với xu hướng phát triển của thị trường. Thị trường lao động dù biến động đến đâu vẫn luôn tồn tại những cơ hội nhất định, quan trọng là bạn có đủ khả năng để nhận ra và nắm bắt hay không. Do đó, thông điệp quan trọng nhất từ bài viết chính là lời nhắn gửi đến những bạn trẻ đang và sắp bước vào thị trường lao động: hãy luôn ý thức rằng thành công không đến từ tấm bằng, mà đến từ chính sự nỗ lực, bản lĩnh và khả năng thích ứng của mỗi người trong hành trình phát triển bản thân và sự nghiệp.