Xu hướng thuế quan theo lĩnh vực chiến lược – Cuộc chiến AI, chip và năng lượng sạch. Cơ hội nào cho Việt Nam ?
Cuộc chiến thuế quan toàn cầu không còn là chuyện của quá khứ giữa thép, gạo hay dầu mỏ nữa. Bản đồ xung đột thương mại ngày nay đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các lĩnh vực mang tính chiến lược của tương lai: trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn (chip) và năng lượng sạch. Trong kỷ nguyên hậu đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu, công nghệ trở thành “vũ khí mềm” nhưng lại có sức nặng lớn trong các cuộc thương lượng quốc tế. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là sự ra đời của AI, đã thay đổi đáng kể cuộc sống con người trên trái đất. Nó không chỉ là công cụ đắc lực giúp con người trong học tập và công việc mà còn đang dần thay thế con người trong một số công việc, giúp nền kinh tế quốc dân tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng năng suất một cách đáng kể.
Một lĩnh vực khác đó chính là Chip (vi mạch bán dẫn) đã trở thành một thành phần cốt lõi trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống con người. Nếu dữ liệu được ví như “dầu mỏ mới” thì chip chính là “động cơ” giúp xử lý và vận hành toàn bộ hệ sinh thái số hiện đại. Từ smartphone, laptop, TV thông minh cho đến xe điện, vệ tinh, robot công nghiệp, trí tuệ nhân tạo và thậm chí cả vũ khí công nghệ cao – tất cả đều phụ thuộc vào chip. Không có chip, các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như AI, 5G, blockchain hay tự động hóa đều không thể vận hành. Đó là lý do tại sao chip không chỉ là sản phẩm công nghệ, mà là một loại “tài nguyên chiến lược” có vai trò như huyết mạch trong nền kinh tế toàn cầu. Tầm quan trọng của chip còn được thể hiện rõ qua các cuộc cạnh tranh công nghệ và thương mại giữa các siêu cường. Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều đang đầu tư hàng trăm tỷ USD để làm chủ chuỗi cung ứng bán dẫn. Trong đó, Mỹ siết chặt xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc để duy trì vị thế dẫn đầu, trong khi Trung Quốc tăng tốc sản xuất nội địa để đạt tự chủ. Sự thiếu hụt chip trong đại dịch COVID-19 khiến ngành ô tô toàn cầu thiệt hại hàng trăm tỷ USD, là bài học nhãn tiền cho mọi quốc gia về sự lệ thuộc vào nguồn cung chip. Không chỉ là câu chuyện công nghệ, chip đang trở thành “vũ khí mềm” trong cuộc chiến địa chính trị công nghệ, là thước đo cho năng lực cạnh tranh và chủ quyền công nghệ của mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh môi trường trái đất đang ngày càng ô nhiễm, các hiện tượng như biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, mực nước biển tăng đang ở mức báo động hơn bao giờ hết. Do sự khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch và xử lý chúng không đúng cách của con người nhằm phục vụ cho các hoạt động sản xuất và kinh tế, khiến cho hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh nhiên liệu không tái tạo đang dần cạn kiệt và sự ô nhiễm nghiêm trọng của môi trường, năng lượng sạch không chỉ đơn thuần là lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch, mà đã trở thành một ưu tiên chiến lược mang tính sống còn đối với tương lai nhân loại. Không dừng lại ở vai trò môi trường, năng lượng sạch còn có ý nghĩa to lớn về kinh tế và địa chính trị. Việc đầu tư vào điện mặt trời, điện gió, lưu trữ năng lượng và hạ tầng truyền tải thông minh đang tạo ra hàng triệu việc làm mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mở ra một thị trường năng lượng mới trị giá hàng ngàn tỷ USD. Các quốc gia dẫn đầu về công nghệ năng lượng sạch – như Đức, Trung Quốc, Mỹ, Đan Mạch – đang nắm lợi thế cạnh tranh lớn trong kỷ nguyên hậu carbon. Mặt khác, cuộc chiến Ukraine và khủng hoảng năng lượng châu Âu năm 2022 đã cho thấy sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dễ khiến các nước bị “tống tiền năng lượng”. Vì vậy, năng lượng tái tạo đang dần trở thành biểu tượng của độc lập và tự chủ trong bối cảnh địa chính trị phức tạp. Ai làm chủ được công nghệ sản xuất pin, tua-bin gió, điện mặt trời và hydro xanh – người đó có thể định hình luật chơi trong nền kinh tế toàn cầu mới.
Những quốc gia nào kiểm soát được nguồn cung chip, AI, các nguồn năng lượng tái tạo– gần như nắm trong tay cơ hội làm chủ thế kỷ 21. Vì vậy, các chính sách thuế quan hiện nay không còn đơn thuần là “rào cản thương mại” mà đang trở thành một công cụ chiến lược để thiết lập ảnh hưởng, bảo vệ chuỗi cung ứng và thúc đẩy nội lực công nghệ quốc gia. Từ đó, ta thấy rõ một làn sóng cạnh tranh âm thầm nhưng đầy sức nóng đang lan ra toàn cầu, và Việt Nam – với vị thế đặc biệt trong chuỗi giá trị – đang đứng trước một thời cơ lịch sử để bứt phá.
Vậy những xu hướng mới này sẽ tao cơ hội nào cho Việt Nam? Trong bối cảnh thế giới đang bước vào một cuộc tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong ba lĩnh vực chiến lược: AI, chip và năng lượng sạch – Việt Nam đang đứng trước một cơ hội "có một không hai" để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất – đổi mới công nghệ khu vực. Khi các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU đẩy mạnh bảo hộ công nghệ qua các hàng rào thuế quan và chính sách “tự chủ chuỗi cung ứng”, các doanh nghiệp toàn cầu buộc phải dịch chuyển đầu tư sang những quốc gia thứ ba trung lập, an toàn và có tiềm năng. Là một trong các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ với thời điểm dân số vàng, Việt Nam có nhiều công ty startup công nghệ đang phát triển ứng dụng AI cho tài chính, y tế, giáo dục, giao thông. Bên cạnh đó về lĩnh vực chip bán dẫn, Việt Nam đã thu hút được những nhà đầu tư lớn như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron… Đây là nền tảng để Việt Nam dần hình thành chuỗi cung ứng bán dẫn hoàn chỉnh. Với tiềm năng gió mạnh ở miền Trung và ven biển, bức xạ mặt trời cao ở miền Nam, Việt Nam đang có lợi thế tự nhiên lớn để phát triển điện tái tạo. Trong những năm gần đây, hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió đã được triển khai nhanh chóng, đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về công suất năng lượng sạch. Việt Nam với vị trí địa lý chiến lược, môi trường chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ và tốc độ hội nhập kinh tế nhanh chóng – trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong chiến lược của nhiều tập đoàn.