Hành trình về nguồn của Hội Cựu chiến binh Đại học Kinh tế Quốc dân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Hội CCB chụp ảnh lưu niệm trước giờ khởi hành tại sảnh A1, Đại học Kinh tế Quốc dân
Tham gia chuyến đi có: GS.TS Nguyễn Quang Dong - Chủ tịch Hội CCB; PGS.TS Bùi Đức Triệu - Phó Chủ tịch Hội CCB; ThS. Lương Việt Anh - Phó Trưởng khoa Đại học tại chức, đại diện BCH Công đoàn Đại học; cùng các thành viên Ban Chấp hành Hội CCB và gần 30 hội viên Hội Cựu chiến binh.
Trên hành trình về nguồn, Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân tại Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Trạch, Quảng Bình. Dù Đại tướng đã đi xa 13 năm (04/10/2013), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn khắc sâu trong trái tim người dân Việt Nam nói chung và mỗi chiến sĩ, cựu chiến binh nói riêng. Suốt chặng đường đến và rời nơi yên nghỉ của Đại tướng, các CCB trong đoàn đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động về người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hội CCB dâng hương tại nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày thứ hai, Đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi an nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ - bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và chiến trường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Những ngôi mộ, dù có danh hay chưa có danh, dù mộ đơn hay mộ tập thể, đều được đồng bào cả nước tri ân với tấm lòng thành kính. Nơi đây, tượng đài “Tổ quốc ghi công” ngày đêm nghi ngút khói hương, dòng người đến viếng không ngớt.
Hội CCB dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn
Tiếp đó, Đoàn về thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm (28/6 - 16/9/1972) khốc liệt, giữ từng tấc đất, từng đoạn tường thành dưới mưa bom bão đạn. “Còn người, còn Thành cổ” là lời thề son sắt của các chiến sĩ Giải phóng quân khi ấy. Thành cổ Quảng Trị ngày nay là nấm mồ chung của hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, góp phần vào thắng lợi của đại thắng mùa xuân 1975.
Hội CCB kính cẩn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị
Trong số những chiến sĩ nằm lại Thành cổ, có ít nhất 12 liệt sĩ là cán bộ, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, đã tạm gác bút nghiên lên đường vào những năm 1970-1972. Đoàn đã đặt hoa và dâng hương tại “Đài Chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị” để tưởng nhớ các anh, các chị đã ngã xuống nơi đây.
Hội CCB dâng hương tại Đài Chứng tích
Tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc - nút giao chiến lược trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, đoàn đã dâng hương tưởng niệm hơn 1.000 chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây, phần lớn chưa xác định được danh tính. Trong đó có 10 nữ Thanh niên xung phong tuổi đời từ 17 đến 24, đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ thông đường. Nơi đây, ngày đêm bom đạn dội xuống, nhưng từng đoàn xe chở vũ khí, lương thực vẫn băng qua, để mạch máu tiếp tế cho chiến trường miền Nam được thông suốt. Dù nhiều CCB trong đoàn đã đến đây nhiều lần, nhưng mỗi lần về lại vẫn bồi hồi xúc động, tiếc thương và tự hào về sự kiên cường của đồng bào, chiến sĩ năm xưa.
Cầu Hiền Lương, từng là ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc suốt 21 năm. Nơi đây không chỉ là một cây cầu, mà là biểu tượng của nỗi đau chia ly và khát vọng thống nhất. Ngày ấy, cuộc “đấu loa”, “đấu cờ” diễn ra suốt thời gian chiến tranh. Giờ đây, cây cầu trở thành chứng tích lịch sử và minh chứng cho một thời dân tộc đã vượt qua chia cắt để đoàn tụ trong hòa bình, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước.
Hội CCB thăm và chụp ảnh lưu niệm tại cầu Hiền Lương
Điểm dừng chân cuối cùng là Truông Bồn - khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên tuyến đường chiến lược 15A. Truông Bồn từng là tọa độ lửa ác liệt nhất trên đường Trường Sơn. Ngày nay, ở đây đã quy tập hơn 1.250 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó nhiều ngôi mộ tập thể, nhiều ngôi mộ chưa có danh. Đặc biệt, tại đây có Đài tưởng niệm 13 Thanh niên xung phong Đại đội 317, Ngành GTVT Nghệ An, hy sinh rạng sáng ngày 31/10/1968, chỉ một giờ trước khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc.
Hội CCB dâng hương tại khu di tích lịch sử Truông Bồn
Các anh chị đều rất trẻ, tuổi đời từ 17 đến 22. Trong đó: 2 người đang chuẩn bị cưới, 2 người chuẩn bị lễ dạm hỏi đúng ngày 31/10/1968, 4 người đã có giấy gọi nhập học đại học và trung cấp, dự định hết đợt nhiệm vụ sẽ về trường.
Những câu chuyện đó, những sự kiện ấy vẫn được đồng đội và nhân dân nhắc lại mỗi khi đến Truông Bồn - vừa đau xót, vừa tự hào. Chiến tranh không chỉ cướp đi tuổi trẻ, mà còn cướp đi tình yêu, hạnh phúc riêng tư của bao người, càng khắc sâu thêm ý chí cách mạng kiên cường của quân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Chuyến đi về nguồn không chỉ là dịp tri ân các anh hùng liệt sỹ mà còn là bài học sống động về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước bất khuất cho các thế hệ hôm nay. Đối với Hội Cựu chiến binh Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng, nhắc nhở nhau sống xứng đáng với truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như Đất nước trong kỷ nguyên mới. Mỗi chặng đường, mỗi mỗi di tích đi qua, CCB đều đong đầy cảm xúc buồn vui và niềm tự hào mình đã góp phần vào thắng lợi của dân tộc.