Liệu sinh viên có bị lạc lối giữa thời kỳ đổi mới?
Đầu tiên, có thể thấy nhiều sinh viên hiện nay đang cảm thấy bối rối, lạc lối với chính con đường mình đã chọn năm 18 tuổi. Có thể lúc đó các bạn thấy đây là con đường lý tưởng khi đỗ được vào một trường đại học danh giá và vào ngành mình yêu thích, đam mê, hoặc một ngành “hot” trên thị trường, từ ấy tưởng tượng đến một tương lai tươi sáng khi được làm công việc mình thích. Tuy nhiên, với sự biến đổi nhanh chóng và thường xuyên của cuộc sống cũng như thị trường, nhiều bạn trẻ đã không kịp thích nghi với những môi trường học tập và làm việc với những yêu cầu ngày cang cao và khắt khe hơn trước, từ đó khiến họ gặp phải nhiều áp lực và dần trở nên mất định hướng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng của vấn đề này có thể đến từ nhiều mặt.
- Áp lực từ kỳ vọng và thực tế
Nguyên nhân đầu tiên đó chính là sự kì vọng và áp lực lớn từ nhiều phía. Gia đình kỳ vọng con cái đạt được thành công vượt trội, xã hội đòi hỏi những cá nhân, “nhân tài” với những kỹ năng và kiến thức vượt bậc, bên cạnh đó còn là áp lực đồng trang lứa khi bạn bè đã đạt được những thành công nhất định, trong khi chính bản thân sinh viên ngoài phải lo lắng về các vấn đề thiết yêu như tài chính, tiền bạc mà còn phải vật lộn với việc định hình tương lai giữa muôn vàn lựa chọn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ giá trị thực sự của mình, dẫn đến việc chạy theo các xu hướng hoặc nghề nghiệp "hot" mà không biết mình có thực sự phù hợp.
- Sự quá tải thông tin
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến sinh viên dễ dàng tiếp cận vô vàn nguồn kiến thức trên không gian mạng. Không thể phủ nhận internet là một kho tàng thông tin kiến thức giúp các bạn trẻ nâng cấp bản thân, tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng hữu ích hoặc đáng tin cậy. Việc thiếu kỹ năng chọn lọc và phân tích khi tiếp xúc với một lượng lớn thông tin từ các nguồn khác nhau khiến sinh viên dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng, không biết nên bắt đầu từ đâu hoặc tập trung vào điều gì.
- Thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế
Việc thiếu đi các kĩ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, kĩ năng tin học văn phòng.... hay quá tập trung vào việc học lý thuyết trên lớp mà không áp dụng chũng vào thực tiễn cũng là một trong những nguyên nhân khiến phần lớn sinh viên hiện nay lạc lối. Mặc dù nhiều trường đại học đã cố gắng đổi mới chương trình giảng dạy, nhưng phần lớn vẫn chú trọng vào lý thuyết hơn là thực hành. Điều này khiến nhiều sinh viên, dù có bằng cấp, vẫn thiếu các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, và thích nghi với môi trường thực tế. Đặc biệt là trong giai đoạn thị trường việc làm đang ngày càng trở nên cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, với những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về kinh nghiệm làm việc thực tế từ phía các nhà tuyển dụng hay nhu cầu về việc nhân viên phải “multi-tasking”- một người phải làm nhiều việc về nhiều mảng trong một lĩnh vực. Chính việc này đã khiến nhiều bạn trẻ hiện nay dù cầm trên tay tấm bằng giỏi hoặc xuất sắc nhưng vẫn khó khăn khi đi xin việc và rơi vào trạng thái mất phương hướng, mông lung với con đường mình đã chọn khi áp lực từ công việc là quá lớn, luôn trong tình trạng căng thẳng.
Vậy phải làm sao để không bị mất định hướng trong một thế giới đang không ngừng đổi thay? Một trong những cách để đạt được điều đó chính là các bạn sinh viên phải chủ động hơn trong việc xây dựng và phát triển bản thân một cách toàn diện.
- Hiểu rõ bản thân: Dành thời gian để tìm hiểu đam mê, sở thích và thế mạnh thực sự của mình. Điều này giúp sinh viên định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp và mục tiêu, thay vì chỉ chăm chăm chạy theo các ngành “hot” có thể kiếm ra nhiều tiền trên thị trường.
- Trang bị kỹ năng cần thiết: Ngoài kiến thức chuyên môn, lý thuyết, sinh viên cần đầu tư vào kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, đàm phán, giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện,.... và tích lũy kinh nghiệm thực tế thông qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập hoặc dự án cá nhân.
- Học cách quản lý và chọn lọc thông tin: Giữa thời đại mạng xã hội đang không ngừng phát triển với vô số luồng thông tin khác nhau, các bạn sinh viên cần phải biết chọn lọc và sử dụng thông tin một cách thông minh, tránh bị cuốn vào những xu hướng nhất thời mà quên đi mục tiêu ban đàu của bản thân.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Tham khảo ý kiến từ thầy cô, cố vấn học tập hoặc những người đi trước cũng là một trong nhưng phương pháp hiệu quả để các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về các lựa chọn, tìm hiểu về những cơ hội và thách thức đối với ngành nghề mình đã chọn.
Có thể thấy mặc dù có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khiến một bộ phận lớn sinh viên hiện nay cảm thấy mông lung, lạc lối trên con đường sự nghiệp của mình, tuy nhiên cũng có những phương án để giúp các bạn vượt qua cảm giác trống rỗng đó và lấy lại động lực để cố gắng. Điều quan trong nhất là các bạn cần phải có một mục tiêu cụ thể để hướng tới và trau dồi những kĩ năng cần thiết cùng với một ý chí kiên cường, sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách.