“Định hình tương lai: Học hỏi, Thích nghi, Dẫn dắt”
Quang cảnh chương trình
Tham dự chương trình, về phía đại biểu ngoài trường có: ông Trần Phú Sơn - Tổng Giám đốc, EY Việt Nam; ông Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, EY Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có: PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường.
Với tư cách đại diện cho ba vai trò: nhà giáo dục, nhà tuyển dụng và nhà tư vấn, các vị diễn giả đã cùng thảo luận về các yếu tố dẫn dắt sự chuyển dịch yêu cầu việc làm trên toàn cầu và tại Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị về việc dạy và học, kỹ năng mềm, xây dựng mạng lưới để sẵn sàng cho tương lai việc làm.
Cùng với đó, chương trình cũng có sự góp mặt của ba gương mặt cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân hiện đang làm việc tại EY Việt Nam với những thành công bước đầu trong sự nghiệp. Ba khách mời đã chia sẻ với các bạn sinh viên những kinh nghiệm mới mẻ trong việc chuyển dịch thành công từ kiến thức nhà trường sang môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Chia sẻ về việc dạy và học trong bối cảnh việc làm mới, tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Nhà trường đang hướng tới việc đào tạo ba nấc, giúp sinh viên "Hiểu", "Vận dụng" và có "Khả năng phân tích đánh giá".
Học tốt, không chỉ là nhớ được nội dung thầy cô đã giảng mà còn hiểu, luôn đặt ra câu hỏi tại sao, tự hỏi mình đã hiểu chưa, thực tiễn sẽ diễn ra thế nào. Tự soi chiếu bản thân giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất vấn đề.
Sinh viên đừng ngại ngần nếu thấy mình chưa rõ, chưa hiểu để hỏi bạn, hỏi thầy cô. Trường Đại học là một nơi rất an toàn để các em mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại. Đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Ra trường rồi mới phạm sai lầm thì giá phải trả sẽ rất đắt. Do đó, PGS.TS Bùi Đức Thọ khuyến nghị sinh viên tập trung nghe giảng, đọc tài liệu, học để hiểu bản chất vấn đề, có khả năng soi chiếu vào thực tiễn và phân tích, đánh giá vấn đề.
Về kỹ năng, trường cũng tạo điều kiện tốt cho sinh viên rèn luyện. Không thể có kỹ năng bằng đọc sách, đọc giáo trình mà phải thực chiến. Thầy cô có thể hỗ trợ một phần như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều kỹ năng khác các em phải học để sẵn sàng trong tương lai. “Hãy cháy hết mình, làm hết sức có thể, đừng toan tính sẽ thấy mình trưởng thành lúc nào không biết".
PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH KTQD; ông Trần Phú Sơn - Tổng Giám đốc, EY Việt Nam và ông Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, EY Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ về các yếu tố để lao động sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Theo đó, con đường phát triển năng lực để thành công trong sự nghiệp được thể hiện ở cấp độ khác nhau.
Khi còn là nhân viên mới, năng lực chuyên môn đóng vai trò quan trọng, có vai trò quyết định 70 - 80% đến thành công trong công việc. Nhưng càng lên các vị trí cao hơn, như quản lý cấp trung và quản lý cấp cao thì năng lực hành vi càng có vai trò quan trọng hơn. Những người lãnh đạo là những người có năng lực hành vi rất mạnh.
Qua khảo sát của EY với một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với trên 20.000 lao động, các năng lực hành vi doanh nghiệp này yêu cầu đối với nhân viên đầu tiên là ý thức trách nhiệm với công việc rồi lần lượt là: Tư duy phân tích và khả năng thực thi; tính sáng tạo trong công việc; năng lực lãnh đạo; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tin học; kỹ năng ngoại ngữ…
"Có một thông điệp tôi mong muốn các em biết, khi chọn một chuyên ngành rồi phải kiên định với nó, nghiên cứu sâu về nó. Đừng bị áp lực đồng trang lứa, thấy cái này cái nọ hay hơn thì thay đổi. Ví dụ, cách đây 5 năm các bạn ra trường rất thích làm marketing cho doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán nhưng vừa rồi thị trường thoái trào, rất nhiều nhân sự phải nghỉ việc, phải chấp nhận thay đổi.
Nhìn trong tương lai chúng ta sẽ thấy rất nhiều ngành nghề có vẻ sang trọng. Ví dụ cách đây 3-4 năm chúng ta ào ào học về data. 2 năm vừa rồi nhân sự chuyên sâu về data đang bị thất nghiệp vì đủ rồi. Tại Việt Nam, cách đây 3 năm, các bạn làm IT rất đắt hàng, lương cao. Nhưng giờ nhiều bạn làm IT đang thất nghiệp.
Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy đừng vội vàng chạy theo trào lưu, hãy tự tin, kiên định, đào sâu một con đường mình đã chọn để trở thành người chuyên nghiệp", ông Nguyễn Việt Long chia sẻ.
Các diễn giả chia sẻ tại Toạ đàm
Toạ đàm nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu khi có chung nhận định rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi liên tục. Các đột phá công nghệ, các đòi hỏi pháp lý đang làm biến chuyển thị trường việc làm, định nghĩa về công việc, cũng như các phẩm chất cần có của người lao động.
Báo cáo Tương lai Việc làm năm 2023 (Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 23% số công việc sẽ biến đổi vào năm 2027, và khoảng 14 triệu việc làm sẽ mất đi.
EY 2024 Work Reimagined Survey (tạm dịch: Khảo sát Tái hình dung Công việc năm 2024 của EY) tiến hành tại 23 quốc gia trên toàn cầu cũng cho thấy hình dung về sự nghiệp, công việc, nơi làm việc đã thay đổi đáng kể so với nhận thức trước đây.
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải thay đổi về cả cách dạy và cách học trong nhà trường cũng như việc bồi đắp các kỹ năng phù hợp để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường lao động.