GS.TS Phạm Hồng Chương: Chuyển đổi thành Đại học Kinh tế Quốc dân: Tạo bước đột phá mới về chất lượng đào tạo và nghiên cứu
.
NGƯT, GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Phóng viên: Việc chuyển từ Trường đại học thành Đại học là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển của nhà trường. Để hoàn thành mục tiêu trên, xin ông chia sẻ cụ thể về những định hướng chiến lược của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện nay?
NGƯT, GS, TS Phạm Hồng Chương: Từ nhiều nhiệm kỳ trước, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có chủ trương và mong muốn thực hiện những thay đổi phát triển để trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi các văn bản như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành tạo cơ sở pháp lý để các Trường đại học trở thành Đại học.
Để thực hiện mong muốn này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã xây dựng và ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ lộ trình để hướng tới đại học. Từ mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh, định hướng đến các bước triển khai cụ thể. Dự kiến, năm 2024 nhà trường sẽ triển khai các hoạt động, làm hồ sơ và những thủ tục cần thiết để đến năm 2025 được công nhận chuyển đổi từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân. Bước quan trọng nhất đầu tiên đã được thực hiện là Đảng ủy, Hội đồng trường ban hành Nghị quyết thành lập ba trường trực thuộc theo quy định: Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.
Phóng viên: Việc thành lập ba trường thành viên sẽ phát huy những thế mạnh của trường, góp phần hoàn thiện mô hình phát triển Đại học Kinh tế Quốc dân. Vậy các trường sẽ hoạt động như thế nào theo mô hình mới?
NGƯT, GS, TS Phạm Hồng Chương: Trong số ba trường được thành lập, Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh thuộc lĩnh vực đào tạo truyền thống, thế mạnh của nhà trường. Trong đó, Trường Kinh tế và Quản lý công xác định đào tạo đầu ra chủ yếu là các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô. Trường Kinh doanh với nhiệm vụ chủ yếu đào tạo các doanh nhân, nhà quản trị, cán bộ quản lý kinh tế, doanh nghiệp.
Đối với Trường Công nghệ, được xây dựng dựa trên nền tảng của ba đơn vị đào tạo đang có sức thu hút mạnh mẽ với sinh viên; hình thành, phát triển cùng với bề dày lịch sử của trường là: Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số, Khoa Toán kinh tế và Khoa Thống kê. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển Trường Công nghệ với đặc thù riêng là công nghệ hướng đến áp dụng trong kinh tế, quản lý và kinh doanh. Vì vậy, các kỹ sư, các cử nhân của nhà trường có đặc điểm khác so với kỹ sư công nghệ là họ có tư duy về kinh doanh, kinh tế, am hiểu những vấn đề công nghệ mà các doanh nghiệp, tổ chức quản lý cần giải quyết. Mặt khác, họ sẽ là cầu nối để những công ty chuyên nghiệp làm việc với các tổ chức kinh tế áp dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Dự kiến, trường sẽ tập trung một số ngành mới, trong đó nổi bật là ngành Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu. Chúng tôi đã và đang mời một nhóm các chuyên gia, các thầy cô là các GS, PGS, TS tốt nghiệp ở nước ngoài trong lĩnh vực này về giảng dạy.
Phóng viên: Việc phát triển từ Trường đại học thành Đại học sẽ có nhiều thay đổi liên quan đến mô hình quản trị. Vậy khi chuyển đổi, mô hình quản trị của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ ra sao?
NGƯT, GS, TS Phạm Hồng Chương: Sau khi thành lập 3 trường thành viên, nhà trường sẽ tiến hành mô hình quản trị mới theo hướng tăng cường chuyên môn hóa; các khoa, các trường trực thuộc sẽ tập trung chủ yếu vào công việc chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy. Toàn bộ những công việc quản lý hành chính sẽ do các đơn vị phòng, ban chức năng đảm nhiệm. Do vậy, trường vẫn dựa theo mô hình quản lý tập trung chức năng nhưng độc lập và có sự phân cấp mạnh mẽ về mặt chuyên môn cho các trường trực thuộc, các khoa. Trước đây, các bộ môn phụ trách môn học, khoa phụ trách các ngành đào tạo, nhưng bây giờ sẽ thay đổi, các khoa sẽ phụ trách cả chương trình đào tạo và môn học; giảm bớt đầu mối về số lượng môn học, ngành đào tạo.
Phóng viên: Khi đổi mới mô hình quản trị sẽ có những đột phá gì về chất lượng, thưa ông?
NGƯT, GS, TS Phạm Hồng Chương: Nhà trường kỳ vọng sẽ có những bước đột phá mới cao hơn nữa về chất lượng. Kế hoạch đến năm 2025, nhà trường sẽ tiến đến trở thành đại học thông minh, với hệ thống các phòng học thông minh hiện đại, mô hình giảng dạy và học tập sẽ được tổ chức theo mô hình Lecture - Seminar. Theo mô hình này, với các lớp Lecture, sinh viên có thể nếu không đến trường thì vẫn theo dõi được bài giảng trực tuyến trên lớp hoặc tải video bài giảng về để xem và thực hiện học tập bất cứ lúc nào. Đối với các lớp Seminar quy mô tối đa từ 25 đến 30 sinh viên thì bắt buộc sinh viên phải tới trường để thảo luận hoặc thực hành môn học. Hình thức học tập mới đòi hỏi cần tổ chức lớp học tốt hơn, khoa học hơn, giảng viên phải làm việc nhiều hơn và là phương thức tốt nhất để sinh viên áp dụng tất cả kiến thức, kỹ năng, năng lực để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Đồng thời, nhà trường sẽ tách biệt quá trình học và thi; ứng dụng các phần mềm công nghệ giúp cho quá trình đánh giá học tập của sinh viên khách quan và chính xác hơn; sinh viên tự giác hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Phóng viên: Việc chuyển thành Đại học kinh tế Quốc dân là chủ trương đúng đắn. Với cương vị là Hiệu trưởng, ông kỳ vọng điều gì đối với bước chuyển mình này?
NGƯT, GS, TS Phạm Hồng Chương: Thực ra, kỳ vọng của cá nhân tôi cũng là kỳ vọng chung của cả trường. Kỳ vọng lớn nhất mà chúng tôi mong muốn đó chính là tạo ra một chất lượng đào tạo hoàn toàn mới, một sự gắn kết phải được thể hiện trên hai mặt: Thứ nhất, gắn chặt với thị trường lao động, khi sinh viên chưa ra trường đã thu hút được các nhà tuyển dụng; thứ hai, có sự đột phá về mọi phương diện, có nghĩa là thu nhập sinh viên khi ra trường cũng phải có thuộc loại tốt.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn vị thế nhà trường sẽ được cải thiện trên các bảng xếp hạng quốc tế. Hiện nay, Tạp chí Kinh tế và Phát triển của nhà trường vừa được ghi tên vào danh sách tạp chí thuộc danh mục Scopus là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của nhà trường.
Với tư cách cá nhân, tôi mong muốn mỗi một cán bộ giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ cảm thấy yêu trường nhiều hơn; thu nhập của cán bộ giảng viên được tăng hơn so với năm trước. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là nơi đáng để làm việc, đáng để gắn bó.