Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, đồng thời công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch HỘi đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Thế Ngân - Vụ trưởng Vụ Tài chính Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê; cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Nhân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Môi trường và Tài nguyên, Văn phòng Chính phủ....
Về phía các chuyên gia tham dự phiên thảo luận bàn tròn có ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam; PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính.
Về phía các trường đại học, viện nghiên cứu có PGS.TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; PGS.TS Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chinh; PGS TS Nguyễn Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển; TS. Phạm Thị Ánh Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình; PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện chiến lược chính sách tài chính; PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa - Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học; TS Phí Vĩnh Tường - Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; cùng đại diện lãnh đạo các trường, viện nghiên cứu.
Về phía các chuyên gia kinh tế có ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; ông Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia Kinh tế; ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Đại biểu Quốc hội; PGS.TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và các chuyên gia kinh tế từ các viện nghiên cứu và các trường đại học
Về phía các đại biểu quốc tế có ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (World Bank); bà Gulmira Asanbaeva - Chuyên gia kinh tế cao cấp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); ông Mang Kinal - Bí thư thứ Nhất, Tham tán ĐSQ Campuchia; bà Đặng Văn Linh - Trưởng phòng Khoa học Công nghê, Văn phòng Kinh tế & Văn hóa Đài Bắc (TECO).
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng; GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; lãnh đạo các đơn vị, bộ môn và đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên của Trường.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với truyền thống là một trong những trung tâm nghiên cứu và tư vấn hàng đầu về chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội cho Đảng và Nhà nước, đã có nhiều nỗ lực nhằm góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu của nền kinh tế đất nước.
Hội thảo quốc gia thường niên phối hợp giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là một trong những sự kiện khoa học quan trọng nhất của nhà trường nhằm đánh giá tổng quan nền kinh tế và nhận định những triển vọng của kinh tế đất nước trong những năm tiếp theo.
Phác hoạ lại bức tranh kinh tế năm vừa qua, GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định, 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây, nhất là khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế do tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn xa so với giai đoạn trước Covid-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng, đầu tư, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện.
GS. Phạm Hồng Chương nhấn mạnh, “Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời, đúng mức để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”.
“Ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phục hồi và thúc đẩy tổng cầu bền vững không chỉ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho một nền kinh tế tự chủ, mà quan trọng là tăng cường được khả năng chống chọi với các “cú sốc” từ bên ngoài, có ý nghĩa sống còn trong bối cảnh phức tạp như hiện nay. Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, bên cạnh đánh giá tổng quan chung về nền kinh tế, sẽ tập trung thảo luận về các thành tố từ phía tổng cầu với mục tiêu phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới. “Chúng tôi tin rằng thông qua báo cáo tham luận của các chuyên gia kinh tế, cũng như sự tham gia ý kiến, phân tích, đánh giá của các nhà khoa học, đại diện các Bộ Ban Ngành, các hiệp hội và doanh nghiệp, Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp và mang lại nhiều giá trị thiết thực. Nhiều kiến nghị sẽ được chắt lọc để gửi đến Quốc hội và Chính phủ về định hướng chính sách và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới”, GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay.
TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu
Nhấn mạnh về những thách thức, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu khiến nền kinh tế Việt Nam khó khăn, do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.
Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).
Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022; thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.
Số liệu của năm 2023 cho thấy, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 là năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
"Về thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến tài chính ở Châu Âu và Mỹ như nợ công và lãi suất tăng cao đã góp phần kìm hãm nền kinh tế và giảm tổng cầu thế giới và tác động không nhỏ tới các nước có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam", Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ.
GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học, đồng chủ biên Ấn phẩm trình bày nội dung Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới
Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trình bày tham luận Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tổng cầu và những bài học cho Việt Nam trong bối cảnh mới
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (World Bank) trình bày tham luận Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tổng cầu và những bài học cho Việt Nam trong bối cảnh mới
Còn theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại vào năm 2023, trong quý 1 dù phục hồi dần nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi không đồng đều vào đầu năm 2024. Bà Dorsati Madani cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đối diện rủi ro song cân bằng với triển vọng. Theo đó, rủi ro toàn cầu vẫn hiển hiện, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản trong nước và những tổn thương của khu vực tài chính chưa được xử lý. Dù vậy, cơ hội tăng trưởng đến từ sức cầu bên ngoài tăng, lãi suất toàn cầu giảm. Vì vậy, chuyên gia WB kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ bắt đầu được tăng cường từ nửa cuối năm 2024, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025.
TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện ĐT&NC BIDV trình bày tham luận Thúc đẩy đầu tư tư nhân với vai trò là một động lực quan trọng của tổng cầu và tăng trưởng kinh tế
Phân tích về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng năm qua, đại diện nhóm nghiên cứu, GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý hiệu lực của chính sách tiền tệ không cao đi kèm với dấu hiệu lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ đang suy giảm. Theo GS.TS Tô Trung Thành, chính sách tiền tệ năm 2023 được coi là linh hoạt về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như 4 lần giảm lãi suất. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu, trong khi lãi suất cho vay giảm nhưng ở nhỏ hơn mức giảm của lãi suất huy động.
GS.TS Tô Trung Thành phân tích rằng yếu tố cầu của nền kinh tế khó khăn nên hấp thụ vốn của các khu vực trong nền kinh tế suy giảm nhưng cũng phản ánh kênh truyền tải của chính sách tiền tệ chính là hệ thống tài chính tiền tệ còn nhiều điểm nghẽn, thể hiện qua ba điểm chính.
Thứ nhất, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại dù nỗ lực cải thiện song bộ đệm an toàn vốn vẫn ở mức tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế và các quốc gia trong khu vực.
Thứ hai, về chất lượng tài sản, do khó khăn của nền kinh tế và thị trường bất động sản trầm lắng nên tỷ lệ nợ xấu gia tăng ở hầu hết các nhóm nợ. Nợ nội bảng ở mức gần 5% phản ánh những khó khăn của nền kinh tế đang có dấu hiệu lây nhiễm sang khu vực tài chính tiền tệ.
Thứ ba, sự mất cân đối về kỳ hạn là nút thắt lớn. Tiền gửi ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, trong khi tỷ lệ cho vay trung và dài hạn đang ở mức gần 50%.
Bên cạnh đó, thị trường vốn trong đó có thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán gặp nhiều vấn đề khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Nhu cầu vốn trung dài hạn tiếp tục đổ dồn gánh nặng vào hệ thống các ngân hàng thương mại, gây gia tăng hơn nữa rủi ro về kỳ hạn và thanh khoản.
"Chính sách tài khoá đứng trước tình thế lưỡng nan, dư địa để kích thích kinh tế không còn quá lớn. Quy mô của thu ngân sách/GDP thu hẹp song chúng ta vừa muốn nới lỏng chi tiêu vừa muốn giảm thuế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có thể làm gia tăng rủi ro vay nợ", GS.TS Tô Trung Thành đánh giá.
Những năm vừa qua, tính toán lại tỷ lệ bội chi ngân sách từ năm 2019 đến nay cho thấy thâm hụt ngân sách gia tăng dù nợ công vẫn trong tầm kiểm soát. Rõ ràng, dư địa chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng còn dư địa nhưng không quá lớn. Cũng theo đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn), Chính phủ sẽ phải dựa vào các chính sách trọng cầu, phục hồi nhanh chóng tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Năm 2024, chính sách tài khoá vẫn phải là chủ công và cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn; còn chính sách tiền tệ bổ trợ. Bên cạnh đó, do đầu tư tư nhân hiện khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, về dài hạn, nền kinh tế dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu và khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất.
Phiên thảo luận bàn tròn với sự tham dự của các diễn giả là đại diện Ban, Bộ, Ngành Trung ương, chuyên gia kinh tế quốc tế, chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện doanh nghiệp
Tại Hội thảo cũng đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với sự tham dự của các diễn giả là đại diện Ban, Bộ, Ngành Trung ương, chuyên gia kinh tế quốc tế, chuyên gia kinh tế trong nước, đại diện doanh nghiệp. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, tích cực, cung cấp toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam từ góc nhìn vĩ mô và vi mô với lượng thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều, hàm lượng khoa học cao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn phát biểu bế mạc Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khẳng định, những thông tin hữu ích từ Hội thảo với những giải pháp, kiến nghị rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào tư liệu quan trọng cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước.
Trước đó, khuôn khổ Hội thảo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Họp báo công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 với chủ đề "Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới" nhằm trao đổi, giải đáp thắc của báo chí xung quanh các nội dung liên quan.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD và GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH đồng chủ biên Ấn phẩm giới thiệu, chia sẻ về Ấn phẩm tại Họp báo
Một số hình ảnh tại chương trình: