Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Sỹ Thanh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; cùng đại diện các Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cùng đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội, đại diện các thành viên liên danh tư vấn lập quy hoạch Thủ đô, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình, phát thanh của trung ương và địa phương. Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng; GS.TS Hoàng Văn Cường - Nguyên Phó Hiệu trưởng, đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.
Đến nay, toàn quốc đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt hoặc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch vùng, đang hoàn thiện trình 5 quy hoạch vùng. Đặc biệt, toàn quốc đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 50/63 quy hoạch tỉnh; còn 4 địa phương chưa hoàn thành thẩm định quy hoạch, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, riêng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn, quan trọng của cả nước, việc lập quy hoạch rất phức tạp, đòi hỏi phải làm kỹ lưỡng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù tiến độ yêu cầu gấp, song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, TP Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô.
ÔngTrần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin khái quát về Quy hoạch Thủ đô
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Sỹ Thanh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết cho biết: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trong bối cảnh đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bộ, ngành để hoàn thiện quy hoạch Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố tiêu biểu với các tiêu chí Xanh, Văn Hiến, Văn minh, Hiện đại, Phát triển bền vững; xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học và kinh tế - là trái tim của cả nước.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phát biểu
Tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đề án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Trong đó, về tổ chức không gian, quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hóa, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...
Cùng với đó, xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Cũng tại Hội thảo, đại diện các Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp các ý kiến đối với bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.
Sau gần 4 giờ đồng hồ làm việc khẩn trương, Hội thảo đã thành công tốt đẹp và thu nhận được rất nhiều ý kiến hay, quý giá giúp cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng hợp để thực hiện các bước tiếp theo.