Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới
Quang cảnh tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu ngoài trường có: TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược trung ương; TS. Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; TS. Trần Kim Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; TS. Nguyễn Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; bà Nguyễn Thị Diệu Trinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại Bộ Tài chính; ông Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Về phía các chuyên gia tham dự phiên thảo luận bàn tròn có: PGS.TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam; PGS.TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế; TS. Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
Về phía các chuyên gia kinh tế có ông: GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; ông Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; ông Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS Trần Đình Thiên Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả; TS. Phạm Ngọc Thắng - Nguyên hàm Vụ trưởng Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Về phía các đại biểu quốc tế, tổ chức nước ngoài có: đ/c Lắt-Ta-Na SihaLat - Phó Đại sứ, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; ông MANG KINAL - Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam; bà Ance Maylany Napitupulu - Tham tán phụ trách kinh tế, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam; ông Oscar Edström - Trưởng phòng Thương mại và Xúc tiến Đại sứ quán Thuỵ Điển; ông Jonathan London - Chuyên gia Kinh tế UNDP; bà Trần Hồng Hạnh - Giám đốc Uni-Italia, Đại sứ quán Ý tại Việt Nam; bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Trưởng ban Đối ngoại, Khối Đào tạo ACCA Việt Nam; bà Hường Vũ - Giám đốc khối doanh nghiệp ICAEW tại Việt Nam; bà Haeja Park - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc.
Về phía các trường đại học, viện nghiên cứu có: TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM - UBND TP. HCM; TS. Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương; TS. Phí Vĩnh Tường - Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới; PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng; cùng các nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước; các viện nghiên cứu, trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp…
Về phía Đại học Kinh tế Quốc dân có: GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học; GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học; GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; cùng đại diện lãnh đạo các Trường, Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm; lãnh đạo các đơn vị, bộ môn và đông đảo cán bộ giảng viên, sinh viên trong toàn Đại học.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025”, GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức: chính sách tiền tệ thắt chặt và tình trạng nợ công dai dẳng tại nhiều quốc gia đang phát triển.
Bất ổn địa chính trị tiếp diễn tại một số khu vực như Trung Đông và Ukraina, sự thay đổi về bộ máy chính phủ tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy vậy, việc lạm phát đã hạ nhiệt tại hầu hết các quốc gia lớn đã tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dần chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, năm 2024 có thể coi là một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.
Giáo sư Phạm Hồng Chương đánh giá ở khu vực đối ngoại, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá ước đạt tới 786,29 tỉ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham ra sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách. Để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.
Hệ thống thể chế có tình bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế. Mặt khác, hệ thống thể chế cũng cần đảm bảo sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, giúp cho các thể chế bao trùm này duy trì và mở rộng” - GS.TS Phạm Hồng Chương cho hay.
GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng chủ biên ấn phẩm chia sẻ tại Hội thảo
Khuyến nghị các chính sách liên quan đến thể chế, GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng chủ biên ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024” nhấn mạnh: Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy, cần cẩn trọng sử dụng chính sách tiền tệ, tăng cường chính sách lành mạnh tài chính. Từ đó, có chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào tăng hiệu quả giải ngân đầu tư công, giảm thuế có chọn lọc và tăng cường chính sách an sinh xã hội. Việt Nam cũng cần tập trung vào nội lực, tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thu hút FDI chất lượng cao, khu vực trong nước tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo GS.TS Tô Trung Thành, nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng cường hiệu quả thực thi và đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch; cải cách tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".
Các chính sách về thể chế trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ các rào cản mang tính cấu trúc trong bộ máy hành chính, giảm thiểu chồng chéo chức năng, đồng thời nâng cao năng lực quản trị và điều hành kinh tế vĩ mô. Nhà nước cần đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ việc “làm thay” sang vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hạ tầng, thể chế, an sinh xã hội và khoa học công nghệ để tạo động lực phát triển bền vững.
Đông đảo diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
Trước những vấn đề đặt ra, Hội thảo tập trung làm rõ bối cảnh quốc tế và những tác động của thế giới đến kinh tế Việt Nam năm 2024; đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2024 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhằm đo lường thể chế kinh tế, đánh giá mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam và vai trò của thể chế thông qua tác động của thể chế kinh tế đến tăng trưởng, từ đó chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế trong hệ thống pháp luật; đề xuất những khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2025 cũng như cải cách chế kinh tế quan trọng trong kỷ nguyên mới của đất nước.
TS. Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright Việt Nam trình bày tham luận: Từ "Tại sao các Quốc gia thất bại" tới "Hành lang hẹp"
GS.TS Ngô Thắng Lợi - Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày tham luận: Thể chế cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân
Phiên thảo luận bàn tròn với sự tham dự của các diễn giả
Từ một góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn được đặt ra từ đầu năm và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với tất cả các đối tác thương mại trong đó có Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hoá của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ còn tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Điều này tạo ra sự bất ổn, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế có lẽ cần điều chỉnh. "Có thể coi mục tiêu này là để phấn đấu chứ không phải đạt được bằng mọi giá", PGS. Phạm Thế Anh phân tích.
Ở góc độ vĩ mô, muốn đạt được tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí cao hơn, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi như vậy thì cần tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước để đạt cao hơn. Trước mắt trong ngắn hạn, xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính sách thuế quan của Mỹ. Tiêu dùng cũng không phải là một động lực tăng trưởng có thể bứt phá trong năm nay khi thu nhập của người dân không tăng nhanh trong mấy năm vừa qua khiến sức mua của người dân đã bị hạn chế đi rất nhiều, chuyên gia phân tích.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, sự tăng nóng của thị trường bất động sản, thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý đều làm giảm khả năng tiêu dùng của người dân. "Chúng ta có thể bù đắp một phần từ thị trường quốc tế nếu Việt Nam thích ứng nhanh thì có thể nới lỏng thêm điều kiện về thị thực, phát triển du lịch quốc tế để bù đắp một phần tác động tiêu cực từ xuất khẩu", PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Dưới góc độ quốc tế, chuyên gia Jonathan D. London - Chuyên gia Kinh tế UNDP cho rằng: Chiến lược phát triển của Việt Nam cần có sự cân bằng giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Về trước mắt, Việt Nam cần ưu tiên chính sách công nghiệp và thương mại, đồng thời tăng cường ngoại giao kinh tế để duy trì thị phần tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU. Về lâu dài, đất nước cần xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, đổi mới sáng tạo và đầu tư công chất lượng cao, đặc biệt là hạ tầng, năng lượng và giáo dục.
"Một hệ thống thể chế bao trùm, minh bạch và có tính khuyến khích sẽ tạo ra môi trường để đa số người dân và doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế thị trường hiện đại. Đây sẽ là nền tảng để Việt Nam không chỉ ứng phó với khủng hoảng hiện tại mà còn hướng tới tăng trưởng bền vững.
Thực tế, không phải chờ cho đến khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, thời gian qua, Chính phủ đã chủ động và tích cực giải quyết các mối quan tâm về thương mại quốc tế, trong đó có thương mại với Hoa Kỳ. Đồng thời, Chính phủ cũng đã rất quan tâm tới việc tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu." - chuyên gia của UNDP nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu bế mạc Hội thảo
Theo TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, các giải pháp, chính sách kiến nghị tại hội thảo là tài liệu quan trọng cho các cơ quan chức năng hoạch định chính sách trong giai đoạn tới.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”.
GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc ĐH KTQD và GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng QLKH đồng chủ biên giới thiệu, chia sẻ về ấn phẩm
Trên cơ sở hai nhóm thể chế được nghiên cứu gồm hệ thống pháp luật kinh tế và hệ thống pháp luật về bộ máy nhà nước, ấn phẩm đề cập triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025; đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và các chính sách thúc đẩy cải cách thể chế trong bối cảnh mới.
Theo đó, cải cách thể chế cần hướng tới xây dựng được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, giảm thiểu sự can thiệp hành chính trong xây dựng chính sách để tạo nền tảng cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của tăng trưởng.
Các nhà báo, phóng viên trao đổi và hỏi đáp tại buổi công bố Ấn phẩm
Các đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm