Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học
Quang cảnh tại buổi tọa đàm
Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu ngoài trường có PGS.TS Phạm Văn Hải - Chuyên gia AI & BigData, Trường Công nghệ Thông tin - Truyền Thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội; TS. Trần Thế Trung - Giám đốc khoa học FPT Smart Cloud; TS. Michal Bobula - Trường Kinh doanh và Luật, ĐH West of England; TS. Reem Muaid - Trường Marketing và Quản lý, ĐH Coventry, UK và GS.TS Harald Von Korflesch, ĐH Koblenz, CHLB Đức; đại diện các trường đại học có chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam: ĐH West of England, ĐH Coventry, ĐH Huddersfield; đại diện các doanh nghiệp có liên quan.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên và đông đảo sinh viên của Trường.
ChatGPT - Chatbot trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển đã có tốc độ phát triển nhanh chóng và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vai trò của AI và ChatGPT trong giáo dục đại học vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Để đưa ra góc nhìn đa chiều hơn về các cơ hội, thách thức và tiềm năng của ChatGPT và tác động của AI đối với giáo dục đại học, Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Tọa đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Đây là dịp để các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục đại học.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng phát biểu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng cho biết, AI-GPT hay ChatGPT đang trở thành mối quan tâm đặc biệt trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trên thực tế, AI-GPT đã vượt qua những hạn định về một giải pháp công nghệ, nó đã và đang tạo ra các tác động trong lĩnh vực giáo dục.
ChatGPT - Chatbot trí tuệ nhân tạo do OpenAI phát triển đã có tốc độ phát triển nhanh chóng và được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vai trò của nó trong giáo dục đại học vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Trong khi một số người coi AI như một công cụ để nâng cao việc học và giảm bớt khối lượng công việc, thì những người khác lại coi AI và ChatGPT là mối đe dọa đối với tính chính trực, bảo mật thông tin hay tiếp tay cho gian lận và đạo văn.
Toạ đàm “Sự trỗi dậy của AI và ChatGPT: Thách thức và tiềm năng đối với giáo dục đại học” được tổ chức với mục tiêu giúp mọi người nhận thức rõ hơn cơ hội, tiềm năng của Chat GPT, AI trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở bậc đại học, cũng như những mặt trái chúng có thể đem lại. Từ đó, chủ động phát huy tối đa mặt tích cực của AI và ChatGPT trong giáo dục đại học. “Chúng tôi mong muốn sau chương trình Toạ đàm này, mọi người từ người học, người dạy tới những người quản lý giáo dục đại học sẽ nhìn nhận rõ hơn để phát huy tối đa vai trò của AI cũng như Chat GPT. Đặc biệt, với những người vận hành, quản trị các cơ sở giáo dục đại học, chúng ta phải làm sao cùng với đội ngũ giáo viên đưa ra những công cụ hướng dẫn, những cách thức để một mặt vẫn tận dụng tối đa AI và Chat GPT, mặt khác cũng có những cách thức đánh giá, kiểm soát, đảm bảo tính liêm chính học thuật, chống các hiện tượng gian dối trong suốt quá trình học tập, giảng dạy, thi cử” - PGS. Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.
AI-GPT hay ChatGPT đang trở thành mối quan tâm đặc biệt trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục
Trao đổi bên lề Tọa đàm, PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế cho biết, mục tiêu của Tọa đàm hướng đến sự phát triển, cơ hội, thách thức của AI và chat GPT đối với giáo dục đại học. Hội thảo đề cập tới vấn đề Chat GPT và AI được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đặc biệt trong lĩnh vực đại học.
Cũng theo PGS. Lê Trung Thành, ChatGPT luôn tạo ra cơ hội nhưng nếu sinh viên không được hướng dẫn để sử dụng đúng mục tiêu, mục đích sẽ tạo ra những hiện tượng không trung thực, không học thật. Thông qua hội thảo, có thể giúp sinh viên nhìn nhận được vai trò của ChatGPT và AI. Nếu sử dụng đúng cách sẽ đem lại hiệu quả, nâng cao kiến thức. "Hiện nay có hiện tượng một số sinh viên lên mạng tìm những chợ luận văn, luận án để hỗ trợ. Hoặc sinh viên dùng đề bài, đưa ra yêu cầu để ChatGPT làm hộ. Thậm chí, cũng có trường hợp giảng viên lười không chịu làm bài tập, không chịu ra đề bài cho học viên và yêu cầu ChatGPT làm thay. Nếu không sử dụng ChatGPT một cách đúng nghĩa sẽ gây ra nhiều mặt trái và hệ luỵ".
PGS. Lê Trung Thành nhấn mạnh, để ChatGPT và AI được sử dụng theo hướng tích cực nhất trong giáo dục, điều đầu tiên cần giáo dục về tư duy, thái độ, nhận thức của sinh viên. Bản thân học thật, có kiến thức thật để phục vụ cho hiện tại và công việc tương lai. "Nhà trường cũng cần có những cách thức kiểm soát chéo. Chẳng hạn như giao bài tập có thể hỏi lại xem thực sự sinh viên có nắm được kiến thức không. Sinh viên trình bày bằng sự hiểu biết và ngôn ngữ của chính mình sẽ khác với sinh viên hoàn toàn phụ thuộc, lạm dụng vào ChatGPT. Ngoài ra, đối với những công cụ, giải pháp quản lý luôn biến động và điều chỉnh theo thời gian để phù hợp".
Tại chương trình, 5 diễn giả đã trình bày những tham luận đóng góp rất nhiều thông tin giá trị như “AI, Dữ liệu và Công nghệ trợ lý ảo trong giáo dục đại học” của PGS.TS Phạm Văn Hải; “Ảnh hưởng của AI đối với giáo dục và đào tạo tại các trường đại học” của TS. Trần Thế Trung; “AI trong giáo dục đại học: Thách thức, cơ hội và tiềm năng” của TS. Michal Bobula; “Chuyển đổi giáo dục: Cuộc cách mạng AI sáng tạo” của TS. Reem Muaid; “AI và ứng dụng AI tại ĐH Koblenz, CHLB Đức” của GS.TS Harald Von Korflesch. Các bài tham luận và chia sẻ tại tọa đàm xoay quanh vai trò, ảnh hưởng của AI/ChatGPT đối với giáo dục đại học cũng như cách thức mà các trường có thể khai thác tiềm năng và ứng dụng AI/Chat GPT một cách có ý nghĩa. Theo chia sẻ của các diễn giả, ứng dụng AI/ChatGPT có thể mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục đại học, từ các mô hình, bài học thực tiễn ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp. AI/ChatGPT giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn, hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu, trợ giúp các cơ sở giáo dục trong việc quản lý và vận hành. Tuy nhiên, thách thức mà AI và ChatGPT tạo nên cũng khiến cho các cơ sở giáo dục, các nhà quản lý cần suy nghĩ để có biện pháp hạn chế mối đe dọa về liêm chính trong học thuật, bảo mật dữ liệu hay hành vi gian lận, đạo văn.
Chia sẻ thực tiễn của GS. Harald - ĐH Koblenz đón nhận nhiều sự quan tâm từ những người tham dự tọa đàm. Theo GS, có thể áp dụng 3 phương thức để tận dụng hiệu quả lợi thế của AI/ChatGPT, cụ thể: (1) Chấp nhận AI/ChatGPT như một công cụ hỗ trợ trong giáo dục (cũng như SPSS, Word, Excel, Zoom…); (2) Khuyến khích sinh viên sử dụng AI/ChatGPT và xác nhận việc đã sử dụng như thế nào (bằng các form mẫu xác nhận); (3) Tích hợp ChatGPT vào hoạt động giảng dạy, học tập có sự tham gia tích cực và tự phản hồi và điều chỉnh chương trình giảng dạy. Đây là những cách thức mà các trường có thể triển khai để khai thác hiệu quả tiềm năng của AI/ChatGPT. Ngoài ra, những nghiên cứu và ứng dụng tại các trường ĐH ở UK, Đức cũng mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các trường ở Việt Nam trong việc tạo ra các chính sách, quy định trong việc ứng dụng AI/Chat GPT trong các cơ sở giáo dục.
Cũng tại Tọa đàm, TS. Michal Bobula - Trường Kinh doanh và Luật, ĐH West of England đã đưa ra các cơ hội và thách thức của AI trong giáo dục đại học như vấn đề đạo văn; thiết kế cách đánh giá bài thi/bài tập; vấn đề liêm chính học thuật. TS. Michal Bobula đưa ra một vài gợi ý như sử dụng một số phần mềm để kiểm soát sự gian lận, thiết kế các bài đánh giá đòi hỏi kỹ nặng về sáng tạo và phản biện... Ngoài ra, các diễn giả, các đại biểu tham gia Toạ đàm cũng tham gia thảo luận mở để cùng chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục đại học.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại Tọa đàm: