Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng GD&ĐT tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu
Kính thưa đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế,
Kính thưa GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương,
Kính thưa các vị khách quý, đại diện các cơ quan, ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương,
Kính thưa các nhà giáo trong Ban lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà trường,
Kính thưa các cán bộ, nhân viên, sinh viên, cựu học viên Nhà trường
Kính thưa toàn thể các quý vị,
Trước hết tôi xin gửi tới toàn thể các quý thầy cô, các vị khách quý, các bạn học viên, sinh viên lời chúc mừng năm mới dương dịch 2025; xin bày tỏ niềm vui và lời chúc mừng ĐHKTQD đã hoàn thành việc chuyển đổi từ trường đại học sang mô hình đại học. Chúc mừng các Thầy Cô trong Ban lãnh đạo đảm nhiệm cương vị và định danh lãnh đạo mới.
Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của Nhà trường như một dấu mốc đậm nét trong lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của Nhà trường trong nền giáo dục và với toàn xã hội, với người dân, người học và đất nước. Từ nay, cái tên ĐHKTQD sẽ thay thế cho Trường ĐHKTQD. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ Đại lên đầu và giúp trường hướng tới cái ĐẠI trên mọi phương diện. Một lần nữa xin được chúc mừng Nhà trường, chúc mừng toàn thể các quý thầy cô và các học viên, sinh viên.
Kính thưa các quý thầy cô và các quý vị.
ĐHKTQD là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Với tư cách là đơn vị trọng điểm quốc gia, ĐHKTQD được Chính phủ và ngành Giáo dục ưu tiên đầu tư để phát triển thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học. ĐHKTQD đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với quy mô và chất lượng đào tạo hàng đầu trong khối ngành kinh tế tại Việt Nam. Với 88 chương trình đào tạo ở trình độ đại học, 70 ngành trình độ sau đại học, hàng năm, trường đào tạo hơn 40.000 sinh viên và học viên; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước với nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Hàng năm, trường tổ chức nhiều hội thảo khoa học uy tín, trong đó có nhiều hội thảo quốc tế có chất lượng được đánh giá cao. Bên cạnh đó, ĐHKTQD còn là một trung tâm nghiên cứu lớn, góp phần xây dựng các chính sách kinh tế, cải thiện mô hình quản lý và thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho quốc gia. Với uy tín và vị thế của mình, ĐHKTQD dân đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Trường cũng đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao kết quả Nhà trường đã đạt được và một lần nữa chúc mừng ĐHKTQD, cũng là chúc mừng Ban lãnh đạo, toàn thể các cán bộ, người lao động, giảng viên, học viên, sinh viên của Nhà trường.
Kính thưa các quý thầy cô và các quý vị.
Đại học và trường đại học khác nhau ở những điểm nào? Vấn đề then chốt không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn và cũng có thể có kết quả nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. Đại học quan trọng ở chỗ nó là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị. Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà Nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ đại học đi tới hiệu quả cao hơn.
Mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, ĐHKTQD cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, được sở trường và sức mạnh truyền thống. Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín. Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của Nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức mới.
Để có niềm tin và đoán định được triển vọng, tương lai phát triển của một cơ sở giáo dục, ta có thể nhìn vào quá khứ, bề dầy thành tựu, quy mô, chất lượng, uy tín của hiện tại. Nhưng quan trọng nhất, quyết định cả tốc độ phát triển và chất lượng phát triển trong tương lai lại phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn phát triển và khát vọng phát triển của người đương thời. ĐHKTQD mong muốn, lựa chọn và chuyển đổi sang mô hình phát triển mới - mô hình đại học - để thực hiện một cuộc lột xác, thay đổi về chất bên trong và hình vóc bên ngoài, quyết tâm đổi mới và phát triển, đó chính là khát vọng mới và tầm nhìn mới. Điều này khiến chúng ta tin tưởng và lạc quan với chặng đường phát triển tương lai của ĐHKTQD. Đây là điểm lớn quan trọng và rất có ý nghĩa, tôi trân trọng chúc mừng Nhà trường.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô và các bạn học viên, sinh viên
Đất nước đang rất khẩn trương, tích cực và quyết tâm phát triển các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ mới, mong sao theo kịp các nước tiên tiến. Nhưng công nghệ phát triển, sản xuất phát triển mà các lĩnh vực về quản trị, về kinh doanh, về các chính sách điều hành kinh tế từ vỹ mô tới vi mô mà không tiên tiến, không theo kịp thế giới thì hiệu lực hiệu quả của những nỗ lực trong công nghệ và kỹ thuật cũng sẽ không đem lại hiệu quả phát triển cho đất nước, thậm chí các rủi ro về kinh tế còn gia tăng. Cũng giống như người vụng mà dùng công cụ quá sắc vậy.
Sứ mệnh của chúng ta trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới chắc chắn khác với những gì chúng ta đã từng làm trong truyền thống. Với các trường đại học khác, sản phẩm khoa học là các phát minh sáng chế, là sản phẩm khoa học và công nghệ chuyển giao, là các công bố khoa học uy tín và ảnh hưởng tầm nhân loại. Với ĐHKTQD, sản phẩm rất quan trọng của chúng ta chính là tư vấn chính sách, là giải pháp về chính sách, là mô hình, là phương pháp quản lý tầm quốc gia các thành tố của nền kinh tế, địa phương và doanh nghiệp. Đại học ta có lợi thế về việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, quản trị, tài chính, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp,… Chưa nói gì tới các phát minh mới, việc học tập các nước tới nơi, tới chốn và vận dụng sáng tạo cho sự phát triển của Việt Nam đã là mảnh đất cho chúng ta thể hiện, khẳng định và phát triển. Học tập thế giới, nhưng áp dụng vào thực tế Việt Nam, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam với nhiều nét riêng là một điều cần lưu tâm. Tâm lý, văn hóa, truyền thống, phong tục,… của người Việt tác động thế nào tới quản trị và phát triển kinh tế là những vấn đề cần quan tâm. Cần phát huy hết lợi thế đặc điểm văn hóa của người Việt thành lợi thế cạnh tranh mới.
Nhật Bản sau Minh Trị duy tân đã phát triển kinh tế, thương mại mạnh mẽ. Sau thời gian phát triển kinh tế và kinh doanh, tầng lớp thương nhân phát triển rất mạnh. Các nhà tư tưởng Nhật Bản đã nghĩ tới việc cần xây dựng, kiến tạo tinh thần luân lý, đạo đức, văn hóa cho doanh nhân, thương nhân Nhật Bản. Họ đã đem truyền thống võ sĩ đạo, tinh thần Nho gia và Thiền học kiến tạo nên loại luân lý thương nhân mới với sự đề cao tu dưỡng đạo đức cá nhân, chữ tín, tinh thần kỷ luật và trách nhiệm xã hội, và coi đây là các giá trị cốt lõi. Từ đó Nhật Bản đã xây dựng được thương hiệu quốc gia và đặc trưng phẩm chất thương nhân Nhật Bản cho cả thời cận đại và hiện đại. Trung Quốc phát triển kinh tế thị trường theo mô hình Trung Quốc và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường mấy chục năm qua cũng đặt các nhà tư tưởng và các nhà khoa học nước này trước việc giải quyết đầu bài lớn về việc kiến tạo văn hóa đạo đức doanh nhân mới trên cơ sở văn hóa truyền thống được đặc biệt lưu ý phát huy.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời gian vừa qua đã tạo được những bước phát triển lớn về kinh tế, xã hội. Trong thực tế, đã dần hình thành ngày càng đông đảo lực lượng doanh nhân. Kinh tế càng phát triển, đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển theo. Trước đây, nước ta vốn là nước nông nghiệp với truyền thống trọng nông ức thương, ở đó, tầng lớp thương nhân vốn rất nhỏ bé và không có mấy vị thế. Thời gian kinh tế thị trường thời Pháp thuộc hình thành giai tầng doanh nhân thực sự đầu tiên, nhưng khá ngắn ngủi. Thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, không có chỗ cho phát triển doanh nhân. Từ khi kinh tế thị trường định hướng XHCN được triển khai và phát triển, lực lượng doanh nhân mới ngày càng phát triển. Nhưng bên cạnh những doanh nhân kinh doanh nghiêm túc, trách nhiệm xã hội, chăm làm từ thiện, vẫn có rất nhiều doanh nhân kinh doanh bất chấp đạo lý, lừa đảo, lợi mình hại người, cướp đoạt, bất tín, gian lận thương mại. Đã có thị trường và kinh doanh theo đuổi lợi ích thì còn những việc đó, nhưng trách nhiệm của những người dẫn dắt xã hội là cần làm thế nào để hạn chế phương diện tiêu cực, phát triển những doanh nhân lành mạnh. Chỉ bằng con đường đó, các doanh nghiệp mới phát triển bền vững và lợi ích xã hội mới ngày càng to lớn. Bên cạnh việc tăng cường sự đầy đủ và nghiêm minh của thực thi pháp luật, yếu tố tư tưởng và văn hóa, vai trò của giáo dục và của các cơ sở giáo dục đại học cũng có phần rất quan trọng.
Chúng ta phát triển nền văn hóa và con người XHCN, nhưng phẩm chất của con người mới XHCN áp dụng cho doanh nhân là việc khó. Cần phát huy truyền thống văn hóa, đề xuất tinh thần và các giá trị văn hóa doanh nhân mới của người Việt. Làm thế nào để vẫn có lợi ích, lợi nhuận, nhưng vẫn yêu nước, trách nhiệm dân tộc, trách nhiệm xã hội; kinh doanh giữ tín, không lợi mình hại người; có quan điểm giá trị lành mạnh bền vững, có khát vọng lớn vươn ra thế giới; biết đem tinh thần “kiến lợi tư nghĩa”, thấy lợi không đạt tới bằng mọi cách, nghĩ tới người khác, tới môi trường, tới sự bền vững, không chộp giật, không nhìn ngắn, không dễ thỏa mãn, không manh mún;…
Kinh tế đất nước càng phát triển, mục tiêu phát triển các doanh nghiệp quốc gia mạnh càng phát triển, các doanh nghiệp lập mới ngày càng nhiều, khởi nghiệp ngày càng được cổ vũ, lực lượng lớp doanh nhân ngày càng đông đảo, lớn mạnh và ngày càng có vai trò và ảnh hưởng xã hội rộng lớn, thì vấn đề văn hóa doanh nhân, đạo đức doanh nhân càng trở thành vấn đề lớn. Để gánh vác và góp phần giải quyết thách thức này, cơ sở giáo dục đại học cần phải triển khai giáo dục đạo đức cho các doanh nhân tương lai ngay khi họ đang theo học tại trường. Nếu không phải Đại học KTQD thì cơ sở giáo dục đại học nào chủ động giải quyết cho vấn đề ngày càng lớn này? Không phải nơi này thì là nơi đâu? Không phải các thầy cô ngồi đây thì là ai? Các giáo sư kinh tế học cần gánh vác điều này. Làm được điều đó là thêm tầm tư tưởng cho sự phát triển nhân lực chất lượng cao thực sự cho tương lai. Đó cũng là phát triển Đại học Kinh tế cho đúng tầm quốc dân, mà quốc dân cũng là quốc gia trong chiều nội hàm.
Kính thưa các quý thầy cô và các quý vị.
Một trong những việc cần làm ngay của Nhà trường là rà soát và hoàn thiện Chiến lược phát triển dựa trên cơ sở: các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục; phát huy, duy trì thế mạnh truyền thống của Nhà trường về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, đồng thời có những chuyển đổi để phù hợp với xu thế đào tạo, nghiên cứu hiện nay ở trong nước, trong khu vực và trên thế giới, triển khai Nghị quyết 57 của BCT về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với Nhà trường. Cũng mong các Thầy Cô trong ban lãnh đạo, sự thay đổi tên gọi từ Hiệu trưởng sang Giám đốc không chỉ là đổi mới về tên, mà cần có tầm nhìn mới, tư duy quản trị mới cho phù hợp với đối tượng quản lý đã khác trước về quy mô và tính chất.
Về công tác tổ chức, ĐHKTQD cần tạo cơ chế, quy định nội bộ để phát huy quyền tự chủ tốt hơn theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, phát huy sự năng động sáng tạo của các trường thuộc, các đơn vị, bộ phận trong toàn hệ thống. Mỗi trường, mỗi đơn vị, tổ chức bên trong cần có cơ chế tự chủ phù hợp, có chức năng, nhiệm vụ riêng, không trùng lặp và phải là phần ghép hữu cơ không thể thiếu, tạo nên tổng thể của một đại học hoàn chỉnh và mạnh mẽ. Phải thiết lập một cơ chế đảm bảo tự chủ cho từng đơn vị nhưng vẫn duy trì sự thống nhất trong toàn đại học. Đồng thời, công tác tổ chức, sắp xếp phải hướng tới sự tối ưu hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung tạo ra các giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững.
ĐHKTQD cũng cần xây dựng một hệ thống quản trị đại học thông minh, hiện đại, kết hợp với tự chủ đại học, phân cấp, phân quyền, chủ động đầu tư chiều sâu và tận dụng tối đa nền tảng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Nhân lực khoa học chất lượng cao luôn có vai trò then chốt trong quá trình phát triển và tạo dựng uy tín của Nhà trường. Vì vậy, ĐHKTQD cần phải tập trung phát triển và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ trẻ phát triển, đồng thời có chính sách phù hợp để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác và đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường. Trong đó, cần chú trọng đến yếu tố quốc tế hóa, thu hút chuyên gia giỏi, đặc biệt là các chuyên gia có uy tín trên thế giới, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu. Sự cạnh tranh toàn cầu và yêu cầu chuẩn hóa quốc tế cũng đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao, buộc ĐHKTQD phải có chiến lược phát triển dài hạn, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực phát phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đồng thời, vận hành một hệ thống quản trị phức tạp một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho ĐHKTQD phát triển.
Trước một giai đoạn phát triển mới, tôi xin chúc ĐHKTQD ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn nữa, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển giáo dục đại học của cả nước và đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, hội nhập, ổn định và phát triển bền vững.
Nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp đến, tôi xin chúc các quý vị đại biểu, các cô giáo, thầy giáo, các bạn học viên, sinh viên một năm mới dồi dào sức khỏe, luôn hứng khởi, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!